Năm 2020 đánh dấu 70 năm ngày qua đời của George Orwell (1903-1950), tác giả của quyển sách mang tựa đề 1984, một ẫn dụ kinh điển cho chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) và những thủ đoạn của các nhà độc tài và các thể chế bạo quyền.
1984 đặt bối cảnh tại một quốc gia hư cấu gọi là Oceania, một xứ sở ‘phản thiên đường’ (Dystopia) trong đó toàn bộ những khía cạnh đời sống và sinh hoạt của mỗi người dân đều bị đặt dưới sự kiềm tỏa và con mắt theo dõi toàn tri (omniscient) hiện diện trong mọi nơi mọi lúc (omnipresent) của nhà lãnh đạo với danh xưng là Big Brother (Người Anh Cả).
Nhân vật chính của 1984 là Winston Smith, một công chức ba cọc ba đồng trong Bộ Sự Thật (Ministry of Truth), hằng ngày vào sở cặm cụi cạo sửa các tài liệu và văn bản lịch sử cho phù hợp với đường lối và chính sách của Đảng. Câu chuyện xoay quanh sự tỉnh ngộ muộn màng và những nỗ lực tuyệt vọng, nếu không muốn nói là bi thảm, của Winston để kháng cự lại chế độ toàn trị và thoát khỏi bàn tay sắt của Big Brother.
Xuất bản chỉ võn vẹn sáu tháng trước khi Orwell qua đời, tác phẩm 1984, đã được dịch ra 65 ngôn ngữ và được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 quyển sách hay và có ảnh hưỡng lớn nhất. Nhiều nhà bình luận xem 1984 là một lời cảnh tỉnh mang tính cách tiên tri cho thời đại chúng ta, khi những nhà lãnh đạo dân túy đang cố tình đưa các nền dân chủ đi dần theo chiều hướng bạo quyền và thể chế toàn trị.
Như để nhắc nhở những ai còn quý trọng tự do và thể chế dân chủ, và như một tiếng vọng từ 1984 của Orwell, gần đây sử gia Timothy Snyder, Giáo Sư khoa Sử Học của đại học Yale tại Mỹ đã cho ra đời một quyển tiểu luận tựa đề ‘On Tyranny’ (Luận về bạo quyền), tóm tắt 20 bài học về những nguy cơ cho thể chế dân chủ và cách bảo vệ thể chế này, rút tĩa từ những sự kiện và bài học lịch sử cận đại.
Theo Giáo Sư Snyder, việc đầu tiên là phải bảo vệ những định chế dân chủ (democratic institutions) của một nhà nước pháp quyền, như tòa án, tính độc lập của tư pháp (judiciary independence), tính chính trực (integrity) của lập pháp, và quyền tự do ngôn luận (freedom of speech) thể hiện qua tính độc lập của các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh và truyền hình. Những định chế dân chủ này, dù mới có hay đã hiện hữu lâu đời, đều không thể tự bảo vệ mà cần được sự bảo vệ và ủng hộ của người dân và công luận.
Các nhà lãnh đạo dân túy và những bạo chúa tập sự ngày nay không nhất thiết phải hủy diệt những định chế này trong một sớm một chiều như cách Hitler và đảng Quốc Xã đã hủy diệt nền dân chủ nước Đức dưới thời Cộng Hòa Weimar vào năm 1933, mà thường áp dụng phương cách ‘lát thịt nguội’ (slicing salami), nghĩa là từ từ lũng đoạn và làm hao mòn quyền lực và các chuẩn mực (norms) của những định chế này. Trong những năm gần đây trên chính trường Mỹ người ta đã thấy những chuẩn mực cho hành xử, sự thật, đạo đức, pháp quyền và tính độc lập của tư pháp lần lượt ngã xuống như những miếng cờ dominoes. Điều đáng lo ngại là các chuẩn mực càng bị xâm phạm thì người ta càng hờ hững với chuyện này, và xem các vi phạm như những chuẩn mực mới (the new norms).
Như George Orwell, sử gia Snyder cũng cảnh giác chúng ta về vai trò cực kỳ quan trọng của ngôn từ và sự thật trong đời sống chính trị và xã hội. Trong 1984, vũ khí độc hại nhất của Big Brother là sự lũng đoạn ngôn từ và sự thật. Khẩu hiệu chính thức của xứ Oceania là “War is peace, Freedom is slavery, Ignorance is strength” (Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh). Khẩu hiệu này tiêu biểu cho sự tha hóa (corruption) của tư duy mà Big Brother gọi là ‘Doublethink’ (Tư duy đi hàng hai), được diễn đạt qua một ngôn ngữ mới gọi là Newspeak (cách Nói Mới) do Big Brother đặt ra để phục vụ cho những dối trá, ngụy biện của Doublethink.
Newspeak và Doublethink làm người ta liên tưởng tới cụm từ ‘Alternative facts’ (sự kiện thay thế) mà một cố vấn chính trị của Donald Trump đã dùng trong một phiên họp báo để mô tả một lời nói dối trắng trợn của phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khi lời nói dối này bị phơi bày một cách không chối cải được. Các tổ chức kiểm chứng sự thật (factcheck organisations) như FactCheck và PolitiFact đã lên danh sách hàng ngàn những lời dối trá, bịa đặt, che đậy và phóng đại của vị Tổng Thống Mỹ thứ 45. Điều đáng lo ngại là những chuẩn mực về sự thật trong đời sống chính trị tại Hoa Kỳ đã xuống thấp tới mức độ mà người ta giờ chỉ nhún vai khi nghe tường thuật về một sự dối trá trắng trợn khác của chủ nhân Nhà Trắng. Hơn bao giờ hết, người ta cần nghe lời khuyến cáo của sử gia Timothy Snyder: ‘Từ bỏ sự thật là từ bỏ tự do’ (‘To abandon facts is to abandon freedom’
Quyển ‘Du Contrat Social’ (Khế Ước Xã Hội) xuất bản năm 1762 của triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau đặt nền tảng cho tư duy dân chủ và giúp đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa tại Pháp và Châu Âu vào cuối thế kỹ 18. Rousseau lập luận rằng giữa chính quyền và người dân là một khế ước hay một hợp đồng xã hội và chính trị theo đó người dân giao quyền cai trị cho giới lãnh đạo. Giá trị và hiệu lực của bất kỳ khế ước hay hợp đồng nào cũng đều tùy thuộc vào sự tin cậy và trung thực giữa hai bên. Điều này cho thấy sự quan trọng không thể thiếu được của sự thật trong đời sống chính trị, và một nhà lãnh đạo với hành xử và ngôn từ dối trá, bịa đặt nhằm bóp méo và che đậy sự thật là một mối đe dọa hiện sinh (existential threat) cho tự do và thể chế dân chủ.
Dối trá và thiếu minh bạch từ giới lãnh đạo có thể đưa tới những hậu quả thảm khốc. Người ta nói thương vong đầu tiên của chiến tranh là sự thật (The first casualty of war is truth), nhưng lịch sử cho thấy có nhiều cuộc chiến đã khởi đầu với những dối trá và bịa đặt của giới lãnh đạo. Đại dịch vi khuẩn COVID-9 có lẽ đã không bùng phát và lây lan kinh khủng như hiện giờ nếu chính quyền Trung Quốc đã không đưa việc bưng bít tin dữ lên hàng quốc sách.
“Freedom is the freedom to say that two plus two makes four.” – George Orwell (1984)
“Tự do là quyền được tự do nói hai cộng hai là bốn” – George Orwell (1984)
“But if thought corrupts language, language can also corrupt thought.” – George Orwell
“Nhưng nếu tư duy lũng đoạn ngôn ngữ, thì ngôn ngữ cũng có thể làm tha hóa tư duy.” – George Orwell
“You submit to tyranny when you renounce the difference between what you want to hear and what is actually the case.” – Timothy Snyder
“Bạn quy phục bạo quyền khi bạn không nhìn nhận có sự khác biệt giữa điều mà bạn muốn nghe và sự thật.” – Timothy Snyder