Cùng với Mindfulness (Tỉnh thức), Meditation hay Thiền là một tư duy và một thực hành đã trở thành phổ biến trong các xã hội Âu Mỹ trong những thập niên gần đây. Trong chiều hướng này, những cách thực hành và hiểu biết về thiền đã biến thể rất nhiều theo thời gian.
Về phương diện ngữ căn (etymology), động từ meditate đến từ tiếng La Tinh ‘Meditari’ có nghĩa là suy ngẫm. Meditation đã có một truyền thống lâu đời trong một số các dòng tu hay dòng thánh Công Giáo như của St Thomas Aquinas, St John of the Cross, và St Teresa of Avila.
Trong tiếng Việt, ta thường gắn liền từ ‘Thiền’ với đạo Phật, chẳng hạn như trong các từ thiền đường, thiền môn… Nhưng theo từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh thì ‘Thiền’ có nghĩa là tĩnh lặng, và vì đạo Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên từ ‘Thiền’ thường đi đôi với những từ liên hệ với tôn giáo này.
Trong những thập niên gần đây, meditation hay thiền đã trút bỏ bộ áo tôn giáo hay huyền bí, và đã tới gần hơn với ý nghĩa nguyên thủy của từ ‘thiền’ là tĩnh lặng. Trong chiều hướng này, meditation hay thiền nay đã đi vào nghệ thuật sống nói chung và được kết hợp với nhiều phương thức trị liệu (therapies) khác nhau. Đối với rất nhiều người trong mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, theo hay không theo một tôn giáo nào, thiền ngày nay đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật.
Thiền định là những khoảnh khắc dành riêng cho tỉnh thức (mindfulness) và tĩnh lặng (stillness.) Trong thiền định, tỉnh thức là ý thức và quan sát mà không phán xét những cảm giác hay cảm thọ (sensations) dể chịu hay khó chịu trong cơ thể, những cảm xúc (emotions), và những ý tưởng trong trí não. Người ta thường dùng hơi thở chậm và sâu như một cái neo để duy trì tỉnh thức khi ngồi thiền. Thở ý thức (mindful breathing) là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp tâm thức an trú trong hiện tại và giúp mang tới sự hợp nhất giữa thân và tâm.
Những giờ phút ngồi thiền, hai mươi hay ba mươi phút buổi sáng trước khi những đòi hỏi của cuộc sống bắt đầu, là những buổi hẹn riêng với chính mình, là những giờ phút để nuôi dưỡng bản thân và làm quen với tỉnh thức. Thói quen ngồi thiền mỗi ngày còn giúp con người tiếp cận với tiềm thức và khám phá thêm chiều sâu của bản ngã. Tập tỉnh thức và làm quen với tĩnh lặng còn giúp con người mang tâm thức này vào đời sống thường nhật để sống một cách chủ động và có ý nghĩa hơn.
Và đôi khi tĩnh lặng sẽ tới thăm trong giờ phút tọa thiền, như bóng trăng chợt hiện trên mặt hồ khi trời lặng gió. Trong cái tĩnh lặng, trống vắng đó, người ta sẽ tiếp xúc được với cái mầu nhiệm, cái đẹp, và cái tươi mát của cuộc sống.
“First of all, sit very quietly; do not force yourself to sit quietly, but sit quietly without force of any kind… Then watch your thinking. Watch what you are thinking about. You find you are thinking about your shoes, the bird outside to which you listen… Do not try to change your thinking.… You will know every hidden secret thought, every hidden motive, every feeling, without saying it is right, wrong, good or bad. When you look, when you go into thought very deeply, your mind becomes extraordinarily subtle, alive. No part of the mind is asleep. The mind is completely awake. Then your mind is very quiet. Your whole being becomes very still. Then go through that stillness, deeper, further. That whole process is meditation…To understand the whole process of your thinking and feeling is to be free from all thought, to be free from all feeling so that your mind, your whole being becomes very quiet. And with that quietness, you can look at the trees, you can look at people, you can look at the sky and the stars. That is the beauty of life.” – Krishnamurti – On Education.
“Trước hết, bạn hãy ngồi yên lặng; đừng ép buộc mình phải ngồi yên lặng, nhưng cứ ngồi yên lặng mà không hề tự ép buộc… Rồi hãy quan sát tâm ý mình. Hãy xem mình đang nghĩ ngợi về chuyện gì. Bạn thấy đang nghĩ về đôi giầy của mình, về con chim ngoài trời mà bạn đang nghe… Đừng cố gắng thay đổi những ý nghĩ của mình… Bạn sẽ biết hết mọi suy nghĩ và động cơ thầm kín, mọi cảm giác của mình, mà không cho là chúng đúng hay sai, tốt hay xấu. Khi bạn quan sát, đi vào những suy nghĩ một cách sâu sắc, thì tâm trí bạn trở nên cực kỳ tinh tế, sống động. Không có phần nào của tâm trí bạn đang mê ngủ. Tâm trí bạn hoàn toàn tỉnh táo. Rồi tâm trí bạn thật yên tĩnh. Toàn bộ con người bạn thật tĩnh lặng. Bạn hãy đi vào sự tĩnh lặng đó, sâu hơn, và xa hơn nữa. Toàn thể quy trình đó chính là thiền … Khi hiểu toàn bộ quy trình của suy nghĩ và cảm nhận, bạn sẽ thoát khỏi mọi ý nghĩ, mọi cảm giác để tâm trí và toàn thể con người bạn trở nên tĩnh lặng. Và với sự tĩnh lặng đó, bạn có thể nhìn cây cối, nhìn con người, nhìn bầu trời và nhìn các vì sao. Đó chính là cái đẹp của cuộc sống.”
Krishnamurti – Đối Thoại về Giáo Dục