Trong quyển sách về nghệ thuật sống ‘Seven Habits of Highly Effective People’ (Bảy thói quen của những người có hiệu quả cao) của Stephen Covey, thói quen thứ nhất và cũng là nến tảng cho các thói quen khác là “Be Proactive” – Hãy chủ động.

Trong vài thập niên vừa qua, tính chủ động (proactivity) là một tư duy đã đi sâu vào nhiều lãnh vực, từ cách thức quản lý nghiệp vụ và phong cách làm việc tới việc chăm sóc sức khỏe và cách sử dụng thời giờ.

Proactivity là tính chủ động trong tư duy và hành động, và khả năng xác định các ưu tiên (priorities) trong đời sống qua việc quản lý thời gian (time management) và xây dựng các thói quen chủ động (proactive habits).

Áp dụng tư duy chủ động vào cách dùng thời gian, Stephen Covey đã phân loại các công việc vào bốn nhóm:

1. Nhóm một – Quan trọng và gấp (Important and Urgent): Đây là những công việc ‘chữa cháy’, gồm những việc khẩn cấp, hay sắp đến kỳ hạn, những sự cố (emergencies) hay khủng hoãng (crisis).

2. Nhóm hai – Quan trọng nhưng không gấp (Important but Not Urgent): Đây là những công việc giúp ta nâng cao chất lượng cuộc sống, ví dụ như đọc sách, chăm sóc sức khỏe, dành thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ gia đình hay bạn bè (quality time), thư giãn, tập thể dục, học ngoại ngữ hay trau dồi các kỹ năng mới, tức là những công việc mà Stephen Covey gọi là ‘mài lưỡi cưa’ (sharpening the saw).

3. Nhóm ba – Không quan trọng nhưng gấp (Not Important but Urgent): Ví dụ như những cuộc họp liên miên, những đòi hỏi cấp bách gây gián đoạn trong ngày, liên tục trả lời những emails không cần thiết…

4. Nhóm bốn – Không quan trọng và cũng không gấp (Not Important and Not Urgent): những việc tầm phào, phí thời giờ.

Vì có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống, người sống chủ động thấy được đoạn kết ngay từ đầu (see the end from the beginning), và do đó biết đầu tư thời giờ và năng lực vào các công việc quan trọng nhưng không gấp gáp.

Ngược lại, người sống thụ động chỉ biết phản ứng theo những đòi hỏi gấp rút nhất thời. Nhưng càng bỏ quên những việc quan trọng chỉ vì chúng không gấp gáp thì càng có khả năng đi tới tình trạng ‘nước đến chân mới nhảy’ và bị quá tải bởi các công việc chữa cháy, để rồi phải đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác. Một thí dụ đơn giản là nếu không chăm sóc sức khỏe (công việc thuộc nhóm hai) thì có ngày sẽ phải khẩn cấp đương đầu với bệnh tật hay khủng hoảng về sức khỏe (công việc thuộc nhóm một).

Biết xếp đặt một cách khôn ngoan các ưu tiên (priorities) là điều cơ bản và quan trọng nhất của nghệ thuật quản lý thời gian. Khi người ta nói ‘tôi không có thời giờ cho việc ấy’, thì chính ra là họ muốn nói ‘việc ấy không phải là ưu tiên đối với tôi.’

Áp dụng tư duy chủ động vào đời sống nói chung, tính chủ động (proactivity) là thái độ nhận trách nhiệm cho cuộc đời của mình, nghĩa là không đổ lổi cho hoàn cảnh, di truyền, gia đình, xã hội hay môi trường. Thay vì nguyền rủa bóng tối, người sống chủ động sẽ thắp lên dù chỉ là một ngọn nến nhỏ.

 

“There are three kinds of people: those who make things happen,
those who watch what happens, and those who wonder what happened”

Professor Nicholas Butler – Columbia University, New York

“Có ba loại người: Những người tác động khiến cho các sự việc xảy ra,
những người đứng nhìn sự việc xảy ra, và những người tự hỏi việc gì đã xảy ra thế?”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *