Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Do Thái Abraham Maslow, người khởi xướng khoa tâm lý học nhân bản (humanistic psychology), được biết tới nhiều nhất qua ý niệm về kim tự tháp nhu cầu con người (pyramid of human needs), theo đó Maslow phân loại các nhu cầu con người theo thứ bậc (hierarchy) trước sau.
Trong thứ bậc này, yêu thương và cảm giác thân quen (love and belonging) là một nhu cầu cơ bản, chỉ đứng sau những nhu cầu sinh lý (physiological needs) như ăn uống, chổ ở, và nhu cầu được an toàn (safety), và phải được thỏa mãn trước khi con người có thể nghĩ tới nhu cầu được quý trọng và tự quý trọng (esteem and self-esteem) và hướng lên nhu cầu tối hậu là trở thành một con người đắc ngã (self-actualised human being).
Love và belonging tương quan với nhau như thế nào?
Trong khi thương yêu là tình cảm dành cho hay đến từ một đối tượng nào đó, belonging là cảm nhận mình được thân quen, chấp nhận, quý (valued), đề được thoải mái và sống tự nhiên trong một cộng đồng nhỏ hay lớn, từ gia đình, họ hàng, lối xóm, nhóm bạn, lớp, trường, nơi làm việc, và xa hơn nữa là xã hội, quốc gia.
Không có được cảm giác thân quen trong một cộng đồng nào đó thì dù có được gia đình hay bạn bè thương yêu, con người vẫn có thể cảm thấy bị hất hủi (rejected), chia cách (separated), cô đơn (lonely), hay bị xa lạ hóa (estranged / alienated) như nhân vật Meursault trong tác phẩm L’Étranger (Người xa lạ) của Albert Camus.
Đây là một vấn đề lớn cho bất kỳ ai, nhưng nhất là cho những bạn trẻ đang muốn tìm một chỗ đứng trong môi trường học đường hay xã hội, những người di cư hay tị nạn phải làm lại cuộc đời ở một xứ sở và một nền văn hóa mới, và những nhóm thiểu số (minorities) trong xã hội. Cảm giác không được chấp nhận và bị xa cách hóa vì tệ nạn ức hiếp (bullying), đối xử phân biệt (discrimination), hay cô lập (isolation) có thể đưa tới những hệ quả nghiêm trọng như trầm cảm, bệnh tâm thần, hoặc đáng thương hơn cả là những trường hợp tự kết thúc cuộc đời.
Một trong những chỉ dấu của một cộng đồng hay một xã hội nhân bản và tiến bộ là cách họ đối xử với những thành phần thiểu số, dị tật (disabled), dễ bị thương tổn (vulnerable) hay thiệt thòi (disadvantaged). Khi ta có thể nhìn và đối xử với tất cả những thành viên của cộng đồng với thấu cảm (empathy), tôn trọng, và tạo cơ hội cho mọi người hòa nhập với cộng đồng bất kể những khác biệt, thì chẳng những ta có thể hãnh diện rằng cộng đồng của mình là một cộng đồng nhân bản, có trình độ văn hóa và tiến bộ, mà ta còn có cơ hội khám phá bao nhiêu viên ngọc quý bên trong những con người mà ta cho là khác với ta.
Maslow thường dẫn chứng Einsten như một thí dụ điển hình của những người đã đạt tới đỉnh cao của kim tự tháp Maslow, tức là những con người đắc ngã. Đây là những cây đại thụ của nhân loại, sống tự tại trên đỉnh cao của Chân, Thiện, Mỹ. Nhưng ta cũng đừng quên cả Maslow và Einstein đều là những người gốc Do Thái đã sống qua thời đại kinh hoàng diệt chủng của Đức Quốc Xã. Thế giới này sẽ nghèo nàn đi không biết bao nhiêu nếu những con người này và hàng vạn những đóa hoa khác của nhân loại không có chổ đứng trên quả đất này vì lòng thù hận, thành kiến và những bức tường ngăn cách giữa người và người.
“Although I am a typical loner in my daily life, my awareness of belonging to the invisible community of those who strive for truth, beauty, and justice has prevented me from feelings of isolation.”
Albert Einstein
“Mặc dầu trong đời sống háng ngày tôi điển hình là một kẻ lữ hành cô độc, nhưng cảm giác thân quen với cộng đồng của những người đang tranh đấu cho chân lý, cho cái đẹp và cho công lý đã giúp tôi không bị cảm giác cô lập.”