Bà Julia Gillard là vị nữ Thủ Tướng đầu tiên của nước Úc (nhiệm kỳ 2010 – 2013). Ngoài những thành tựu lớn trên cả thương trường cũng như chính trường, bà còn được nỗi tiếng qua một bài diễn văn vào tháng 10 năm 2012 trước quốc hội Úc, được thế giới biết đến như “the Misogyny speech.”
Trong diễn văn này, bà Gillard đã nêu rõ một cách thuyết phục thái độ khinh miệt phụ nữ của nhà lãnh đạo đảng đối lập thời ấy là ông Tony Abbott. Bài diễn văn này đã được hàng triệu người xem trên YouTube và các mạng xã hội, và đã dẫn tới việc quyển tự điển Macquarie của Úc cho định nghĩa lại từ Misogyny, nới rộng nghĩa thông thường “hatred of women” (Tính thù ghét phụ nữ) của từ này để bao gồm một nghĩa rộng hơn là “entrenched prejudice against women” (thành kiến lâu đời chống lại phụ nữ).
Về phương diện ngữ căn, từ Misogyny do hai chữ Hy Lạp là ‘misein’ có nghĩa là thù ghét và ‘gynē’ có nghĩa là phụ nữ.
Thế nhưng sexism (kỳ thị giới tính) và Misogyny khác nhau như thế nào?
Sexism là những ngôn từ, hành vi, thái độ, hay những chuẩn mực xã hội mang tính đối xử phân biệt với phụ nữ, được thể hiện qua một số những hình thức như sau:
- Gender stereotype: Những ngôn từ, hành vi hay tư duy có tính cách rập khuôn đặt căn bản trên giới tính, chẳng hạn như câu “Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”, hay tư duy cho rằng phụ nữ thì phải nhu mì, nhỏ nhẹ, hoặc không thích hợp cho một số lãnh vực hay công việc làm nào đó.
- Sexist behaviours: Những hành vi có tính cách khinh rẻ phụ nữ, như kể chuyện khôi hài hay nói những câu tưởng là khôi hài nhưng mang tính cách khinh rẻ hay miệt thị phụ nữ. Một hình thức khác là xem phụ nữ như một món đồ trang trí, như trường hợp những rao vặt tuyển dụng nữ thư ký mà ta thường thấy trên báo chí trong nước có nêu rõ điều kiện tiên quyết là ‘phải có ngoại hình đẹp’.
- Pay gap (Cách biệt lương bổng): Trả lương cho nhân viên nữ thấp hơn cho nhân viên nam dù không có gì khác biệt vể chức năng công việc hay về năng lực.
- Glass ceiling (Trần nhà thủy tinh): Giới hạn hay những rào cản vô hình không cho phép phụ nữ tiến xa trong sự nghiệp, khiến phụ nữ không được nắm giữ những vai trò lãnh đạo hay then chốt.
Cực đoan hơn và bi thảm hơn, trong một vài xã hội như tại Saudi Arabia, người phụ nữ ngày nay vẫn là tài sản và vật sở hữu tuyệt đối của đàn ông, thậm chí muốn đi ra ngoài thì phải có một giám hộ người nam đi theo, gọi là chế độ male guardianship. Trong những xã hội này, gia đình, cha hay anh trai có quyền tùy tiện sát hại một người phụ nữ được xem là đã làm tổn thương danh dự của gia đình mà không bị luật pháp trừng trị, gọi là chế độ “honour killing” (sát hại vì danh dự). Tệ nạn này gần đây đã được thế giới chú ý tới qua chuyện cô gái 18 tuổi người Saudi tên Rahaf Alqunun đã phải cố thủ trong một phòng khách sạn tại phi trường Bangkok, sau khi trốn khỏi Saudi để đi tìm tự do và nhân quyền. Cô này may mắn đã được chính phủ Canada nhận đơn xin tầm trú, vì nếu về nước thì rất có khả năng bị sát hại hoặc vào tù.
Nếu Sexism là những ngôn từ, hành vi, và thái độ cụ thể mang tính đối xử phân biệt với phụ nữ, thì Misogyny là những thành kiến về phụ nữ đã có gốc rễ ăn sâu vào văn hóa, tôn giáo và các giá trị xã hội, đưa tới việc những hành vi hay thái độ có tính cách khinh rẽ và áp bức phụ nữ (misogynistic) được chấp nhận là những chuẩn mực xã hội (social norms) hay được xem là một thứ luật tự nhiên của trời đất (natural orders of things). Misogyny do đó có thể được xem là cội nguồn, là căn bản lý thuyết, là những biện minh (justifications) có ý thức (conscious) hay vô thức (unconscious) cho những hành vi và thái độ kỳ thị giới tính và áp bức phụ nữ.
Misogyny dẫn tới sự hằn học và khinh rẻ mà phụ nữ phải đối diện qua những thành kiến, những định chế và môi trường xã hội, chỉ vì họ là phụ nữ phải sống trong một thế giới của đàn ông, do đàn ông dàn dựng và quy định để cho đàn ông được ưu thế. Sự hằn học và khinh rẻ này càng rõ nét hơn đối với những người phụ nữ nào đã hoặc đang cố vượt qua những rào cản giới tính vô hình, đặc biệt là trong những lãnh vực thường do đàn ông thống trị, chẳng hạn như lãnh vực chính trị như trường hợp bà Julia Gillard.
Sexism và misogyny là hai trở lực lớn trong tiến trình đi tới một xã hội văn minh và một nền văn hóa nhân bản. Cả phụ nữ và nam giới cần phải thẳng thắn chỉ mặt nêu tên những ngôn từ, hành vi hay thái độ mang tính cách đối xử phân biệt trên giới tính, và thách đố, phản biện những chuẩn mực xã hội, những tư duy, những tín điều hay giáo điều trong kinh điển, dù đến từ bất kỳ quyền năng nào hay truyền thống xa xưa cổ đại nào, nếu chúng mang tính cách khinh rẻ, miệt thị hay áp bức phụ nữ.
“Freedom cannot be achieved unless women have been emancipated from all forms of oppression” – Nelson Mandela
“Ta không thể đạt được tự do trừ phi phụ nữ được giải phóng khỏi tất cả mọi hình thức áp bức” – Nelson Mandela