Ngày xưa người mình sống đơn giản; giặt giũ, tắm rửa, gội đầu… đều dùng mỗi một bánh xà phòng. Ngày nay riêng cái đầu cũng đã cần đến hai thứ thuốc, thuốc gội (shampoo) và thuốc xả tóc (conditioner) để mái tóc được mềm mại, dễ chải.
Từ ‘conditioner’ có cùng gốc gác với từ ‘conditioning’, hay sự điều tiết. Những hiểu biết về điều tiết là căn bản của behaviourism (khoa hành vi học), một ngành của khoa tâm lý học nhằm trả lời câu hỏi thoạt xem tưởng là đơn giản nhưng có ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc sống: “Tại sao người ta lại cư xử, hành động thế này mà không thế khác?” Dù muốn dù không, dù biết hay không biết, con người ai cũng bị chi phối bởi những điều tiết của văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục, quảng cáo và những phương tiện truyền thông đại chúng. Ý thức được điều này và hiểu được vai trò của điều tiết trong sự hình thành của tư duy cá nhân và hành vi của mình là một phần quan trọng trong quá trình đi tới tri ngã (self-knowledge) và tiến tới một cuộc sống có chủ ý và tự tại hơn.
Những hiểu biết về conditioning và behaviourism được đặt nền tảng trên những khám phá và nghiên cứu của nhà sinh học người Nga Pavlov (1849-1936) và nhà tâm lý học người Mỹ B F Skinner (1904-1990).
Vào cuối thế kỷ 19, Pavlov đã thực hiện một loạt những thí nghiệm về phản xạ có điều kiện (classical conditioning) với những chú chó. Trong các thí nghiệm này, Pavlov đã cho rung chuông trước khi cho chó ăn. Sau nhiều lần tập cho chó liên kết tiếng chuông với việc được cho ăn, điều thú vị là chỉ cần nghe chuông là chó đã chảy nước miếng dù chưa được cho ăn.
Tiếng Anh có cụm từ “to push someone’s button’ (nhấn nút người nào đó) có nghĩa là đụng tới một điều cực kỳ nhạy cảm của người khác. Đôi khi có người chỉ cần nghe một câu nói hay trông thấy một cái gì đó thoạt trông có vẻ bình thường là lập tức đùng đùng lên cơn giận dữ. Đây thường là do những liên kết (associations) trong quá khứ đã tạo nên những phản xạ có điều kiện theo kiểu Pavlov. Hiểu và ý thức được đâu là những ‘cái nút’ của mình và của người khác sẽ giúp ta có những quan hệ tốt đẹp hơn giữa người và người.
Khoa hành vi học được B F Skinner khai triển và hê thống hóa trong thập niên 1930, với những nghiên cứu về Operant conditioning, tạm dịch là điều tiết bằng tác động. Operant conditioning là quy trình điều tiết hành vi con người bằng những tác động tích cực hay tiêu cực đối với hành vi này, nghĩa là bằng cách thưởng phạt.
Trong bối cảnh của đà đi lên của các thể chế toàn trị, những biện pháp nhằm điều chế hành vi và tư duy con người càng ngày càng tinh vi và thâm nhập vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Tiêu biểu cho hiện tượng này là hệ thống ‘cho điểm xã hội’ (Social credit system) đang được chính quyền Trung Quốc áp dụng, theo đó người ta triển khai một mạng lưới ước lượng sẽ gồm hàng trăm triệu máy quay hình (CCTV cameras) trong tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm, kết hợp với công nghệ nhận diện (facial recognition technology) để theo dõi hành vi và ngôn từ của mỗi cá nhân. Căn cứ vào các dữ kiện khổng lồ (big data) thu thập được, người ta sẽ cho điểm từng cá nhân và áp đặt những biện pháp thưởng hay phạt. Đây là một ứng dụng có quy mô của operant conditioning nhằm điều tiết hành vi của người dân, khiến người ta liên tưởng đến cơn ác mộng toàn trị trong tác phẩm 1984 của nhà văn George Orwell.
Ngay từ thuở sơ sinh, con người đã được môi trường xung quanh điều tiết một cách toàn diện. Những điều tiết này đã uốn nắn và tạo hình cho những sở thích, cách ăn nói, khẩu vị, thói quen, định kiến, tín điều, và đi rộng hơn nữa là cách suy nghĩ, hành vi và phong cách của con người. Đây lại điều không tránh được và có thể là cần thiết khi ta còn bé và trong quá trình trưởng thành. Nhưng điều đáng buồn là ngay cả sau khi trưởng thành và có khi sống đến già, ít người nhận thức được ảnh hưỡng và chi phối sâu rộng của điều tiết trong bản thân và cuộc sống của mình. Người ta ít khi biết tìm hiểu nguồn gốc sâu xa và tính thích hợp hay không của những hành vi và tư duy của mình, và quên rằng có rất nhiều những gì họ cho là thuộc về bản chất của riêng mình thật sự chỉ là những phần mềm đã được ‘cài đặt’ trong đầu óc và tâm trí họ bởi những tác nhân bên ngoài.
Muốn thật sự sống một cách sáng tạo, có ý thức và tự chủ, ta cần nhận ra được đâu là những điều tiết có tính cách gò bó, giới hạn và không còn thích ứng nữa trong mỗi giai đoạn của cuộc sống.
“Self-knowledge, or the learning about yourself every day, brings about a new mind. Through self-knowledge, you can deny your conditioning totally. The conditioning of the mind can be denied only when the mind is aware of its operations, how it works, what it thinks, what it says, and its motives.” Krishnamurti
“Tri ngã, hay việc hàng ngày tìm hiểu bản thân mình, sẽ mang đến một tâm trí mới. Thông qua sự hiểu biết về chính mình, bạn có thể hoàn toàn từ bỏ những điều tiết của mình. Bạn chỉ có thể từ bỏ những điều tiết của tâm trí khi chính tâm trí bạn ý thức được những quy trình của nó, cách nó hoạt động, những gì nó nghĩ, những gì nó nói, và những động lực thúc đẩy nó. Krishnamurti