Mindfulness – Tỉnh thức

Vào giữa thế kỷ 20, có nhiều người trẻ trí thức Âu Mỹ đã không thỏa mãn với những giá trị vật chất trong xã hội Tây phương và đã hướng về phương Đông để tìm một triết lý và một lối sống có ý nghĩa hơn. Tiêu biểu cho những người đi tiên phong này là Alan Watts, Paul Brunton và Jack Kornfield, những cái tên đã trở thành quen thuộc với nền Thiền học và Đông Phương học Tây Phương.

Với tinh thần phóng khoáng và thực dụng, họ đã du nhập và thích nghi những tinh hoa của thiền học và Phật học vào tư duy của phương Tây, qua những ngôn từ đơn giản và dễ hiểu.

Một trong những ý niệm lớn và phổ biến nhất xuất phát từ làn sóng này là ý niệm về mindfulness, hay sự tỉnh thức.

Trong nghĩa đơn giản nhất, to be mindful of là nhớ hay để ý tới việc gì.
Thí dụ: ‘We need to be mindful of the sensitivity of others – Ta cần để ý tới sự nhạy cảm của người khác’

Kế đến, cụm từ ‘right mindfulness’ được dùng trong đạo Phật khi nói về chánh niệm, tức là một trong tám con đường thực hành của bát chánh đạo (eight-fold path).

Và cuối cùng, trong các tư duy về thiền học, tâm lý học và nghệ thuật sống nói chung, từ mindful và mindfulness mang ý nghĩa tỉnh thức và sự tỉnh thức.

Mindfulness hay tỉnh thức thường được định nghĩa là việc duy trì một nhận thức nhạy bén và không phán xét trong từng khoảnh khắc (sharpened and non-judgemental awareness in each moment) đối với những cảm nhận trong cơ thể, cảm xúc, ý nghĩ, hoặc những trải nghiệm bên ngoải, dù là tính cực hay tiêu cực.

Các cách thực hành tỉnh thức đã xâm nhập sâu rộng vào nhiều lãnh vực, điển hình là chương trình MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction – Giảm căng thẳng bằng tỉnh thức) của Giáo sư Jon Kabat-Zinn tại trường Y khoa Massachusetts (đã từng theo học với thiền sư Thích Nhất Hạnh), các phương pháp tâm lý trị liệu (psychotherapies) , và ngay cả trong việc đào tạo các đội ngũ thể thao cao cấp.

Theo giáo sư phân tâm học Daniel Siegel của đại học California, sống tỉnh thức là thức dậy từ một cuộc sống có tính cách máy móc với những phản ứng tự động, để cảm nhận được cái mới lạ trong những trải nghiệm hàng ngày, và sống một cách có chủ ý, sâu sắc và tỉnh táo hơn. Trong trạng thái tỉnh thức này, chúng ta sẽ cảm nhận được một cách có ý thức cả ngoại giới lẫn nội tâm, và qua đó có thể sống và trải nghiệm một cách trọn ven hơn.

Mindfulness is a pause, the space between
stimulus and response: that’s where choice lies.
Tara Brach
Author of Radical Acceptance

Tỉnh thức là một khoảnh khắc ngưng đọng, là không gian
giữa kích thích và phản ứng: sự lựa chọn chính là nằm ở đó.

Tara Brach
Tác giả quyển Radical Acceptance

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top