Tâm lý gia người Mỹ gốc Do Thái, Daniel Kahneman, chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử giải Nobel: Ông được trao giải Nobel 2002 về khoa kinh tế mặc dù chưa hề học qua bất kỳ một khóa học nào về ngành này. Các khám phá thực nghiệm (empirical findings) của ông đi ngược lại tiền đề (premise) là con người có khuynh hướng suy nghĩ và hành đông một cách thuần lý, một tiền đề mà trước đó các lý thuyết kinh tế vẫn thường xem là sự thật hiển nhiên.
Trong một tác phẩm bán chạy hàng đầu mang tựa đề ‘Tư Duy, Nhanh và Chậm’ (Thinking, Fast and Slow), Daniel Kahneman phân loại hai phương thức tư duy tương phản: Tư duy nhanh mang tính cách quyết đoán, bản năng (instinctive) và đi theo xúc cảm; và Tư duy chậm thì cân nhắc, có chủ ý, và căn cứ trên lôgíc.
Tính quyết đoán của tư duy nhanh xử dụng những lối đi tắt tư duy mà tiếng Anh gọi là thinking shortcuts hay heuristics, và những khuynh hướng, tâm thế tư duy (thinking mindsets) mà Kahneman gọi là cognitive biases.
Tĩnh từ cognitive có nghĩa là liên hệ đến tư duy hay suy nghĩ. Từ bias nghĩa đen là độ nghiêng lệch hay đường chéo, và nghĩa bóng là khuynh hướng, thành kiến hay thiên vị. Do đó, cognitive bias là những khuynh hướng thiên vị trong tư duy khiến con người thiên về một chiều hướng nào đó trong cách suy nghĩ của họ một cách vô thức và mặc định (default), và thường dẫn tới những lệch lạc và sai lầm trong tư duy.
Sau đây là vài khuynh hướng tư duy mà ta cần lưu ý:
1. Confirmation bias: Người ta thường có khuynh hướng đi tìm, dể tin hay đánh giá cao những thông tin, sự việc hay diễn đạt có khả năng xác nhận (confirm) và củng cố (reinforce) những định kiến (preconceptions) của mình về một vấn đề nào đó. Khuynh hướng tư duy này tiếng Anh gọi là confirmation bias (khuynh hướng muốn định kiến mình được xác nhận). Khuynh hướng này khiến người ta phát triển khả năng nghe và thấy một cách chọn lọc (selective hearing and seeing), và tự động đưa các điều tai nghe mắt thấy qua một bộ lọc tư duy (mental filter) hay một lăng kính để xử lý và loại bỏ những gì không hợp với định kiến hay xúc cảm của mình. Đây là lối suy nghĩ mặc định của người đang ở trọ tại Nhà Trắng, với một thành tích vô tiền khoáng hậu trong việc cách chức bất kỳ cộng sự viên nào dám bất đồng ý kiến với mình. Confirmation bias khiến người ta sống trong những ‘buồng tiếng vang’ (echo chambers), chỉ nghe tiếng nói của chính mình vang vọng lại. Có thể nói đây là cản lực lớn nhất cho một tinh thần phóng khoáng, một đầu óc mở rộng có khả năng đón nhận những tư duy mới lạ.
2. Optimism bias: Lạc quan là một đức tính tốt vì giúp con người tin tưởng vào tương lai, có được khả năng phục hồi (resilience) để trỗi dậy sau mỗi thất bại, tích cực, thấy và cảm nhận được những cái hay đẹp của cuộc sống. Nhưng người có khuynh hướng lạc quan thái quá trong tư duy (optimism bias) thường chủ quan, phóng đại xác suất thành công và xem nhẹ những hệ quả tiềm năng xấu hoặc những rủi ro thật sự. Đây là hiệu ứng đà điểu (ostrich effect), một ẫn dụ lấy từ hình ảnh con đà điểu chôn vùi đầu vào cát để không phải nhìn thấy những đe dọa đang tới gần. Trong đại dịch Covid-19 hiện giờ, dân chúng và nền kinh tế Hoa Kỳ đang phải gánh chịu tác hại thê thảm của khuynh hướng tư duy lạc quan mù quáng của vị Tổng thống thứ 45 đã khinh thường tầm mức mối nguy hiểm của virus Corona khi đại dịch bắt đầu xuất hiện trên đất Mỹ.
3. Gender bias – Thiên vị về giới tính: Đây là tập hợp của những thành kiến và định kiến có tính cách đối xữ phân biệt trên căn bản giới tính, nhất là đối với phụ nữ, chẳng hạn như ý tưởng là phụ nữ thì phải nhu mì, nhỏ nhẹ, hoặc không thích hợp cho một số lãnh vực hay công việc cần nhiều chất xám. Các bạn có thể đọc thêm về chủ đề này trong bài viết về nạn đối xử phân biệt với phụ nữ trên trang FaceBook: https://www.facebook.com/Englishfortuduy/posts/647232359027014?__tn__=K-R
4. Ingroup-Outgroup bias – Thiên vị nhóm trong nhóm ngoài: Những tuần lễ vừa qua đã chứng kiến sự phẫn nộ của những thành phần cấp tiến tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới trước cái chết thương tâm và vô lý của George Floyd, một người Mỹ da màu, khi bị một viên cảnh sát da trắng dùng đầu gối chèn vào cổ cho đến khi tắt thở. Phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng đáng quý) đã bùng lên khắp nơi, và là một nhắc nhở cho mọi người rằng tệ nạn kỳ thị màu da vẫn là một dịch bệnh nguy hiểm không kém Covid-19. Một trong những cơ nguyên chính của kỳ thị chủng tộc là khuynh hướng cho rằng cộng đồng hay tập thể của ta thì tốt, thì ưu việt hơn những cộng đồng hay tập thể khác. Khuynh hướng tư duy lệch lạc này tiếng Anh gọi là Ingroup-Outgroup bias, và thường được củng cố bởi lối suy nghĩ ‘vơ đủa cả nắm’ mà tiếng Anh gọi là over-generalisation. Chỉ cần một thiểu số tội phạm trong một cộng đồng nào đó cũng đủ để người ta kết luận rằng đó là một cộng đồng xấu xa. Chính lối tư duy nguy hiểm này đã cho phép đảng Quốc Xã của Hitler dán nhãn cho cả dân tộc Do Thái là sâu bọ và đưa hơn sáu triệu sinh linh vô tội vào cơn ác mộng diệt chủng thời thế chiến thứ hai.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, sự sợ hãi và lòng nghi kỵ đang thổi bùng ngọn lữa kỳ thị chủng tộc và bài ngoại trong nhiều xã hội và quốc gia trên thế giới. Thiết tưởng mỡi người trong chúng ta đều nên chậm lại trong tư duy để nhận diện đâu là những lệch lạc, thiên vị trong tư duy của mình, và để suy nghĩ, tìm hiểu đến nơi đến chốn khi đối mặt với những thông tin chưa rõ thật hư, hay những vấn đề khó khăn trong đời sống cá nhân hay trong xã hội.
“Five percent of the people think; ten percent of the people think they think; and the other eighty-five percent would rather die than think.” Thomas A. Edison
“Năm phần trăm con người suy nghĩ; mười phần trăm nghĩ là mình suy nghĩ; và tám mươi lăm phần trăm còn lại thà chết còn hơn suy nghĩ.” – Thomas A. Edison
“You may believe that you are responsible for what you do, but not for what you think. The truth is that you are responsible for what you think, because it is only at this level that you can exercise choice. What you do comes from what you think. ” Marianne Williamson
“Bạn có thể nghĩ rằng mình có trách nhiệm đối với việc mình làm, nhưng không có trách nhiệm với những gì mình suy nghĩ. Sự thật là bạn có trách nhiệm với những gì mình suy nghĩ, vì chỉ trên bình diện này bạn mới có sự lựa chọn. Những gì bạn làm khởi nguồn từ tư duy của bạn.” – Marianne Williamson