Người yêu thích ngôn ngữ chắc hẵn ai cũng biết vai trò quan trọng của ngữ căn (etymology) trong việc xây dựng và hiểu sâu hơn một vốn từ vựng phong phú và đa dạng. Tính đa dạng này của các từ tiếng Anh một phần là do việc ý nghĩa của nhiều từ thay đổi hoàn toàn tùy theo ngữ cảnh (context) hay nội dung của bài viết. Sau cùng, tiếng Anh còn có những cách diễn đạt ý tưởng một cách xúc tích, ngắn gọn mà không kém phần lý thú hay dí dỏm, qua cách dùng những ẩn dụ (metaphors) lấy từ văn hóa, chuyện cổ tích, và những sách kinh điển như thánh kinh hoặc các tuyệt tác của thi hào Shakespeare.

Ngữ căn – Etymology

Ngữ căn, tiếng Anh là Etymology, là nguồn gốc và lịch sử của các từ.

Tính đa dạng và phong phú của tiếng Anh một phần là nhờ nó đã tiếp nhận từ vựng của nhiều ngôn ngữ khác. Trong các lãnh vực khoa học, tư duy và triết học, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp đã đóng góp rất nhiều cho vốn từ vựng tiếng Anh. Ngoài ra, tiếng Anh cũng đã “mượn tạm” rất nhiều từ của tiếng Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập…

Bản thân chử Etymology là ghép từ hai chử Hy Lạp: étumon có nghĩa là “ý nghĩa thật” và logia là “môn học”. Etymology do đó là môn học về ý nghĩa thật của các từ. Vì vậy, hiểu rõ ngữ căn của một từ đôi khi cho ta một cái nhìn mới và thú vị về những tư duy liên hệ với từ đó.

Hiểu được ngữ căn còn giúp ta dùng từ vựng một cách chính xác hơn, và giúp nhận ra các “bà con họ hàng” của một từ, và qua đó khiến các từ dể nhớ hơn và giúp ta tăng vốn từ vựng tiếng Anh của mình.

Ngữ cảnh – Context

Một trong những khó khăn nhưng cũng là cái thú vị của tiếng Anh là nghĩa của một từ có thể thay đổi hoàn toàn tùy theo nội dung hay bối cảnh của đoạn văn, vì các từ có khả năng biến sắc như con tắc kè, khi nằm trên lá thì màu xanh, và khi ở trên thân cây thì lại hóa thành màu  nâu. Một thí dụ đơn giản là từ ‘intelligence‘, với nghĩa thông thường là trí thông minh, nhưng trong nội dung một bài viết về gián điệp thì intelligence lại có nghĩa là những thông tin tình báo.

Ẩn Dụ – Metaphor

Khi bạn nghe người ta nói ‘the elephant in the room – con voi trong phòng’ thì bạn hiểu như thế nào?

Đó là một thí dụ của cách nói ẩn dụ, tiếng Anh là metaphor.

Ngữ căn của từ Metaphor lấy từ chữ Hy Lạp meta là qua, và pherō là chuyển. Metaphor vì vậy có thể được hiểu như những cách nói chuyển nghĩa, bóng gió, dùng một hình ảnh hay biểu tượng này để nói về một hình ảnh hay biểu tượng khác.

Dùng một cách khéo léo và thích hợp, ẩn dụ là những cách diễn đạt xúc tích, ngắn gọn mà sâu sắc, cho người nghe những ‘khoảnh khắc ‘À hóa ra là vậy’ (Aha moments) khi bắt được ý nghĩa đằng sau những hình ảnh đơn giản hay những mẫu chuyện lý thú.

Tiếng Anh có nhiều hình thức nói ẩn dụ rất phong phú và đa dạng, lấy từ văn hóa, điển tích, thơ văn, chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, và những tác phẩm kinh điển.

Đơn giản nhất là Simile(phát âm ‘siməli’). Đây là những cách nói ví von, dùng giới từ ‘like’ hay ‘as’ để so sánh một sự vật hay điều này với một sự vật hay điều kia một cách thú vị, ví dụ như:

  • Listening to his speech is like watching the grass grow – Nghe diễn văn ông ấy cứ như là ngồi xem cỏ mọc.
  • She is as cool as a cucumber – Cô ấy ‘lạnh’ như quả dưa chuột (câu này chơi chữ, dùng từ cool với hai nghĩa, mát lạnh và bình thản)

Metaphorkhác simile ở điểm không dùng giới từ as hay like, và do đó ngụ ý là điều này không chỉ tương tự mà là y trang, đồng nhất với điều kia, ví dụ như:

  • Domestic violence is the elephant in the room in the current debate – Bạo hành trong gia đình là con voi trong phòng trong cuộc tranh luận hiện giờ. Hàm ý câu này là trong cuộc tranh luận hiện giờ, vấn đề bạo hành trong gia đình là một vấn đề to lớn ngồi thù lù đó, nhưng vì những cấm kỵ văn hóa, xã hội nên không ai có can đảm đề cập tới nó.

Allegoryhay ngụ ngôn là một ẩn dụ dài và phong phú để nói về một đề tài nào đó qua dạng thơ (như các bài thơ ngụ ngôn của Aesop hay của La Fontaine), văn chương (như quyển chuyện The Lion, the Witch and the Wardrobe của C. S . Lewis, hay quyển Animal Farm của George Orwell)

Parablecũng là một loại ngụ ngôn như Allegory nhưng ngắn hơn và hàm chứa một bài học luân lý hay tinh thần nào đó, như mẫu chuyện về đứa con hoang đàng của đức Giê Su trong kinh Tân Ước, hay mẩu chuyện của đức Phật về một người bị trúng tên độc mà lại khăng khăng muốn biết giai cấp của kẻ bắn tên trước khi cho thày thuốc chữa trị.

Các cách diễn đạt ẩn dụ đi thẳng vào tiềm thức và trực giác, dùng những hình ảnh hằng ngày, những biểu tượng quen thuộc của tuổi thơ hay văn hóa, hoặc những cốt chuyện thú vị, hấp dẫn, nên người nghe và người đọc có thể hiểu và cảm nhận một cách dễ dàng mà sâu sắc. Ngoài ra, các cách diễn đạt ẩn dụ còn đòi hỏi người nghe hay người đọc phải đi một nữa chặng đường tư duy thay vì được mớm ăn, nên khi hiểu ra người ta sẽ thích thú và xem cái suy nghĩ  hay sự thật ấy phần nào là của mình.

Dĩ nhiên là bạn có thể ‘sáng tạo’ ra những cách diễn đạt ẩn dụ riêng của mình khi nói, viết hằng ngày. Dùng ẩn dụ thường xuyên sẽ giúp bạn phát triển lối tư duy ẩn dụ, nhìn các vấn đề một cách tượng hình, qua trực giác, và diễn đạt các ý tưởng của mình một cách lý thú, khôi hài, dí dỏm, thâm trầm và thuyết phục hơn.

Muốn hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Anh và đi sâu vào thế giới tư duy của các nền văn minh nói tiếng Anh, chúng ta cần nắm vững ngữ căn, hiểu từ vựng trong ngữ cảnh, và học các cách nói ẩn dụ phong phú của ngôn ngữ này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *