Democracy – Dân Chủ

Democracy – Dân Chủ

Nước Mỹ và thế giới đang chứng kiến một sự kiện lịch sử: Việc buộc tội (impeachment) và xét xử (impeachment trial) Tổng Thống Mỹ thứ 45 với hai cáo buộc là lạm dụng quyền lực (Abuse of power) và cản trở Hạ Viện (Obstruction of Congress).

Ngay sau khi cựu Phó Tổng Thống Joe Biden tuyên bố sẽ vào tranh cử Tổng Thống cho nhiệm kỳ sắp tới, và các cuộc thăm dò cử tri sơ bộ cho thấy ông này có khả năng đánh bại Tổng Thống Trump, ông Trump đã lạm dụng quyền lực của hành pháp để tung ra một chiến dịch toàn diện nhằm bôi nhọ đối thủ chính trị của mình, bằng cách ‘đóng băng’ khoản viện trợ quốc phòng 400 triệu Đô la cho Ukraine để gây áp lực với tân Tổng Thống Zeilansky của Ukraine, với mục đích buộc ông này phải chính thức mở hai cuộc điều tra vô căn cứ.

Cuộc điều tra thứ nhất nhắm vào ông Joe Biden và người con trai của ông là ông Hunter Biden về những lời đồn vô cớ là Hunter Biden đã phạm tội tham nhũng trong vai trò là thành viên của Hội Đồng Quản Trị công ty khí đốt Burisma của Ukraine. Cuộc điều tra thứ hai có đối tượng là một ‘giả thuyết âm mưu’ (conspiracy theory) đã bị tình báo Mỹ lật tẩy và do chính quyền Nga tung ra cho là không phải Nga đã lũng đoạn cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 bằng những tấn công tin tặc vào guồng máy tranh cử của đảng Dân Chủ và loan truyền tin giả (Fake News) làm tổn thương bà Hillary Clinton, mà chính những máy chủ trong xứ Ukraine đã tấn công tin tặc vào chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Sau khi việc lạm dụng quyền lực này bị một ‘người thổi còi’ (whistleblower) ẩn danh tố giác và Hạ viện Mỹ khởi động các cuộc điều tra, chính quyền ông Trump đã làm tất cả trong khả năng để che đậy việc này và cản trở quá trình truy vấn của Hạ viện bằng cách thẳng tay từ chối không tuân thủ bất kỳ một trát đòi nào của Hạ Viện buộc nhân chứng ra điều trần hay giao nộp những văn kiện liên quan tới vụ việc.

Buộc tội nhằm phế truất chủ nhân Nhà Trắng là một quá trình gay go và gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất đã hoàn tất là việc truy vấn và buộc tội tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Giai đoạn thứ hai là phiên xử hai cáo trạng này hiện đang diễn ra tại Thượng Viện Mỹ, mà ít ai tin rằng sẽ dẫn tới việc kết tội và truất phế ông Trump, vì lý do đơn giản là đảng Cộng Hòa đang giữ đa số trong Thượng Viện Mỹ.

Tuy nhiên, bất luận kết quả phiên xử tại Thượng Viện Mỹ sẽ ra sao, và bất luận khuynh hướng chính trị của mỗi cá nhân, quá trình impeachment và những điều được phơi bày trong quá trình này là những bài học cụ thể và sống động về thể chế dân chủ và những hiểm nghèo mà thể chế này đang phải đối mặt trước sự trỗi dậy của các chế độ dân túy độc đoán (authoritarian populist regimes) trên thế giới. Thật vậy,những lời điều trần của các nhân chứng, những chứng cớ và tài liệu được phơi bày trong quá trình truy vấn và buộc tội của Hạ Viện Mỹ và trong phiên xử các cáo buộc này tại Thượng Viện đã khiến ta không thể không lo ngại cho tương lai và khả năng tồn tại của các nguyên tắc trụ cột của thể chế dân chủ tại Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Trước viễn tượng không mấy lạc quan ấy, tưởng cũng nên ôn lại nguồn gốc của tư duy và thể chế dân chủ, và xem đâu là những mối đe dọa cho thể chế dân chủ tại Mỹ, con chim đầu đàn của các nền dân chủ trong thế giới tự do.

Từ Democracy ghép bởi hai chữ Hy Lạp Dēmos có nghĩa là dân (the people), và Kratia có nghĩa là cai trị (rule / govern). Ngay từ thời cổ đại vào thế kỹ thứ năm trước Công Nguyên, thành phố Athens của Hy Lạp và Rome của Ý được xem là hai cái nôi của tư duy và thể chế dân chủ. Tại các quốc gia Âu Mỹ, thể chế dân chủ ra đời từ đầu thế kỹ 18 tại Anh với sự thành lập Quốc Hội đầu tiên của Anh Quốc năm 1707, và tại Mỹ sau cuộc nỗi dậy 1765-1783 lật đổ ách cai trị thuộc địa của Anh, với điểm đỉnh là bản hiến pháp Hoa Kỳ 1787, ra đời hai năm trước cuộc cách mạng Pháp 1789.

Ngày nay, những quốc gia với một thể chế và truyền thống dân chủ trưởng thành như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada, Úc… dù theo những biến thể (variants) có khác nhau về hình thức và định chế, nhưng trên một chừng mực nào đó đều đặt trên nền móng của một bản hiến pháp và ba nguyên tắc trụ cột là quyền tự do bầu cử (free election), tính pháp quyền (rule of law), và nguyên tắc tam quyền phân lập (separation of powers) giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Thế đâu là những mối đe dọa cho thể chế dân chủ tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung?

Trước tiên là những mối đe dọa cho nguyên tắc tự do bầu cử. Như đã thấy trong kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2016, các quyền lực ngoại bang không ngần ngại lũng đoạn bầu cử bằng cách  tấn công và xâm nhập các máy chủ của chiến dịch tranh cử của một đảng phái đối nghịch và loan truyền tin giả trên mạng một cách có hệ thống để gây thương tổn cho đảng phái này. Ngoài ra, tại Mỹ cũng như tại Úc, đảng phái đang cầm quyền có thể ‘vẻ lại’ ranh giới của các khu vực cử tri để dể rành phần thắng, một thủ đoạn gọi là ‘gerrymander’ trong tiếng Anh. Hậu quả điển hình là trong cuộc bầu cử 2016 tại Mỹ, bà Hillary Clinton đã nhận được tổng cộng ba triệu phiếu nhiều hơn ông Trump mà vẫn thất cử! Đảng Cộng Hòa cũng đã đặt ra những rào cản để gây khó khăn cho các cộng đồng thiểu số đăng ký vào danh sách cử tri (electoral rolls), và như thế gây bất lợi cho Đảng Dân Chủ vì đa số các cộng đồng thiểu số có khuynh hướng ủng hộ đảng này.

Thứ hai, mối đe dọa cho tính pháp quyền (rule of law) đến từ những nhà lãnh đạo độc đoán (authoritarian) tự cho mình là đứng trên pháp luật và có những đặc quyền vô giới hạn. Tưởng cũng nên nhắc lại nước Đức dưới thời Cộng Hòa Weimar (1918-1933) là một quốc gia dân chủ với tự do bầu cử, Hiến Pháp và Quốc Hội. Thế mà ngay sau khi Hitler nhậm chức Thủ Tướng Đức vào tháng một năm 1933 tòa nhà Quốc Hội Reichstag đã bị kẻ nào đó phóng hỏa đốt cháy rụi; và ngay sau khi đảng Quốc Xã của Hitler thắng cử và lên cầm quyền vào tháng ba năm 1933, Hitler đã ban hành pháp lệnh (decree) bãi bỏ mọi quyền dân sự (civil rights) và tuyên bố tình trạng khẩn trương (state of emergency) trong đó các pháp lệnh có thể được ban hành mà không cần được Quốc Hội chấp thuận. Những diễn biến này mở màn cho cơn ác mộng Đệ Nhị Thế Chiến và cuộc thảm sát diệt chủng hơn sáu triệu người Do Thái. Bài học lịch sử này cho thấy một thể chế dân chủ có thể bị phá hủy một sớm một chiều bởi một nhà độc tài dân túy phi nhân.

Để giảm thiểu nguy cơ thảm họa này xảy ra, hiến pháp Mỹ và của nhiều quốc gia dân chủ khác trên thế giới có quy định rõ rệt nguyên tắc tam quyền phân lập (separation of powers) theo đó ba nhánh của chính quyền là hành pháp (Executive branch), lập pháp (Legislative branch) và tư pháp (Judiciary branch) phải độc lập và bình đẳng với nhau (independent and co-equal), với những quyền hạn phân minh để kiểm soát và tạo cân bằng (check and balance) với nhau. Đáng tiếc thay, trong tình trạng phân cực (polarisation) trầm trọng hiện nay của chính trường Mỹ giữa một bên là phe bảo thủ (conservative) của đảng Cộng Hòa và bên kia là phe cấp tiến (progressive / liberal) của đảng Dân Chủ, lập pháp và tư pháp Mỹ càng ngày càng sát cánh với hành pháp, bất chấp những giá trị của sự thật, công lý và lẽ phải.

Tình trạng phân cực này còn được thể hiện qua định chế báo giới (the Press) còn được gọi là Đệ tứ quyền (the Fourth Estate), mà thí dụ điển hình là hai kênh truyền hình có ảnh hưỡng sâu rộng nhất nước Mỹ là Fox News nhằm vào khán giả Cộng Hòa, và CNN nhằm vào khán giả Dân Chủ. Hậu quả là đa số người dân Mỹ sống trong những ‘buồng tiếng vang’ (echo chambers), chỉ nghe và thấy những gì mình muốn nghe và thấy, và phiên xử các cáo buộc nghiêm trọng về ông Trump tại Thượng Viện Mỹ chỉ là cuộc đối thoại giữa những người điếc.

“Democracy is the worst form of Government except for all those other forms that have been tried from time to time.” Winston Churchill

“Dân chủ là hình thức chính quyền tệ hại nhất ngoại trừ tất cả mọi hình thức khác mà người ta thỉnh thoảng đã thử qua”

“The price of freedom is eternal vigilance.”  – John Curran

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top