Nhà phân tâm học người Áo gốc Do Thái Viktor Frankl đã sống qua trại tử thần Auschwitz dưới thời Đức Quốc Xã. Năm 1946, sau khi được tự do, ông đã cho ra đời quyển Man’s Search for Meaning – Đi Tìm Ý Nghĩa, được xem là một trong mười quyển sách có ảnh hưỡng lớn nhất tại Mỹ.

Ông cũng là người sáng lập liệu pháp hiện sinh Logotherapy (tạm dịch là liệu pháp dùng ý nghĩa), một phương pháp trị liệu tâm lý được xem là trụ cột thứ ba của các trường phái trị liệu tâm lý Vienna, bên cạnh trường phái phân tâm học (psychoanalysis) của Freud và trường phái tâm lý học cá nhân (individual psychology) của Adler. Logotherapy đặt nền tảng trên tư duy là ý nghĩa của cuộc đời là một động lực cơ bản và mạnh nhất của con người, thay vì động lực của khoái lạc theo như Freud hay của quyền lực theo như Adler.

Có nhiều mô hình (models) cho ý nghĩa của cuộc đời, và trong mỗi mô hình lại có thể có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo hoàn cảnh hay giai đoạn của cuộc sống. Mỗi người phải tự chiêm nghiệm và khám phá ra đâu là mô hình và câu trả lời thỏa đáng và thích hợp nhất cho mình.

Trong mô hình thứ nhất, ý nghĩa của cuộc đời là mục đích của cuộc đời (the purpose of life). Sống để làm gì? Để được hạnh phúc, để hưỡng thụ, để phục vụ, đóng góp, để học hỏi, tiến hóa, để hiểu biết, để sáng tạo, để làm việc, hay để giúp cho đời bớt khổ? Người ta cũng có thể sống cho một chân lý hay một lý tưởng nào đó, cho gia đình, cho bạn bè, hay một cộng đồng nào đó. Những mục đích này tự chúng sẽ có thể thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Điều quan trọng là phải uyển chuyển phù hợp với dòng đời và những thay đổi không tránh được của tư duy và những ưu tiên trong cuộc sống, và không tự đồng hóa mình với những mục đích ấy.

Có một mẫu chuyện nhỏ về ý nghĩa của cuộc đời trong tác phẩm Of Human Bondage (Kiếp Người) của nhà văn Somerset Maugham. Trong tác phẩm mang tính tự truyện này, Maugham kể về cuộc đời của Philip, một người có bàn chân dị tật và theo đuổi một mối tình đơn phương tuyệt vọng.

Có một dạo Philip sống ở Paris và kết bạn với một nhà thơ lớn tuổi tên Cronshaw. Philip rất ngưỡng mộ triết lý nhân sinh của ông bạn già, và đã nhiều lần hỏi Cronshaw ý nghĩa của cuộc đời là gì, nhưng lần nào Cronshaw cũng im lặng hoặc nói lãng qua chuyện khác.

Rồi một hôm khi Cronshaw bệnh nặng và biết mình không còn sống được bao lâu, ông đã nhờ một người bạn mang tới cho Philip một tấm thảm Ba Tư nhỏ. Người bạn còn nói Cronshaw có gởi lời nhắn với Philip rằng đây là câu trả lời cho câu hỏi thường xuyên của Philip về ý nghĩa của cuộc đời.

Phải chăng món quà mà Cronshaw thật sự muốn tăng cho người bạn trẻ là một ẩn dụ tuyệt vời về ý nghĩa của cuộc đời. Mỗi người chúng ta đều là kẻ dệt tấm thảm của cuộc đời chính mình. Mỗi ngày, mỗi giờ phút là một mủi chỉ nhỏ trên tấm thảm cuộc đời. Mỗi mủi chỉ tự nó đơn giản là một dấu chấm, trắng hay đen, nâu hay đỏ, nhưng khi nhìn từ xa thì ta sẽ thấy toàn cảnh của một bức tranh có một không hai. Và chủ đề, thể loại, sắc điệu, cấu trúc, mức sáng tạo, tính mỹ thuật, hài hòa của bức tranh, tất cả những đặc tính đó sẽ cho tấm thảm một câu chuyện, một ý nghĩa đặc thù.

Viktor Frankl dường như cũng có một tư duy tương tự như ẩn dụ ấy của Somerset Maugham khi ông viết:

“For the meaning of life differs from man to man, from day to day and from hour to hour. What matters, therefore, is not the meaning of life in general but rather the specific meaning of a person’s life at a given moment.”

“Ý nghĩa của cuộc đời khác đi tùy theo từng người, từng ngày và từng giờ. Vì vậy, điều quan trọng không phải là ý nghĩa của cuộc đời nói chung, mà là ý nghĩa đặc thù của cuộc đời con người vào một thời khắc nào đó”

Trong quyển Man’s Search For Meaning, Viktor Frankl nói ông tin rằng chính tình yêu của ông cho vợ đã có một sức nuôi dưỡng kỳ diệu giúp ông sống sót qua địa ngục trần gian của trại tử thần Auschwitz. Theo ông, tình yêu là nguyên tố chính của ý nghĩa, và là mục đích tối thượng mà con người có thể vươn tới:

“A thought transfixed me: for the first time in my life, I saw the truth as it is set into song by so many poets, proclaimed as the final wisdom by so many thinkers. The truth that love is the ultimate and the highest goal to which man can aspire. Then I grasped the meaning of the greatest secret that human poetry and human thought and belief have to impart: The salvation of man is through love and in love.” – Viktor Frankl – Man’s Search For Meaning

“Một ý nghĩ khiến tôi sững sờ cả người: lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được cái chân lý mà các thi sĩ đã ca tụng, và bao nhiêu nhà tư tưởng đã tuyên bố là minh triết tối hậu. Chân lý ấy là tình yêu chính là mục đích tối thượng và cao cả nhất mà con người có thể vươn tới. Và tôi hiểu ra được ý nghĩa của cái bí mật vĩ đại nhất mà thơ văn, tư duy và niềm tin của loài người có thể dạy ta: Sự cứu rỗi của con người là qua và trong tình yêu” – Viktor Frankl – Đi Tìm Ý Nghĩa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *