Corona Pandemic – Đại Dịch Corona

Corona Pandemic – Đại Dịch Corona

Những ngày tháng gần đây thế giới như đột ngột đắm chìm vào màn đêm của đại dịch virus Corona, với những con số lây nhiễm và tử vong gây kinh hoàng cho cả hành tinh. Toàn bộ các hoạt động và giao tiếp thường nhật của nhân loại bất chợt đi vào bóng tối như trong một buổi nhật thực toàn phần, khi mặt trăng che mất mặt trời, chỉ còn để lại một quầng ánh sáng mỏng bao quanh vầng thái dương, hình ảnh mà trong khoa thiên văn học người ta gọi là corona trong tiếng Anh.

Bắt đầu bằng một trường hợp nhiễm bệnh duy nhất tại Vũ Hán vào khoảng giữa tháng 11 năm 2019, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng theo dạng hàm số mũ (exponential increase) và cho đến giữa tháng 5 năm 2020 đã vượt quá 4.8 triệu, với số tử vong hơn 310 ngàn người, và nước Mỹ và các cường quốc châu Âu như Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp, Anh đã bỏ xa nguyên quán của con virus.

Đi đôi với những thống kê y tế khiến ta bàng hoàng là sự suy thoái trầm trọng của các nền kinh tế và sự rối loạn của chuổi cung cầu trên toàn thế giới, cùng với việc hàng triệu người mất công ăn việc làm trong một sớm một chiều. Trong vỏn vẹn vài tháng, cơn khủng hoảng đã đi từ tầm mức của một epidemic (dịch tể) đến một pandemic (đại dịch), với một bản tính rất ‘dân chủ’, không phân biệt giàu nghèo, lãnh đạo hay ‘phó thường dân’. Tưởng cũng nền mở một dấu ngoặc ngữ căn ở đây để lưu ý là hai từ epidemic và pandemic có cùng gốc gác với từ democracy (dân chủ). Epidemic ghép từ chữ Hy Lạp epi (trên) và dēmos (dân chúng), có nghĩa là trên dân gian; và pandemic là do tiếp đầu ngữ pan (tất cả) và dēmos, có nghĩa là cho toàn thế chúng dân.

Trong những ngày sống với cách ly giao tiếp (social distancing), người viết xin chia xẽ với bạn đọc vài suy tư về cơn đại dịch này.

Đai dịch virus corona đã cho thấy tính mong manh dễ vỡ (fragility) của nhân loại và hành tinh nhỏ bé của chúng ta. Nó cũng làm rõ nét mối tương quan sâu rộng giữa người và người, giữa mọi xứ sở và mọi dân tộc trong môi trường toàn cầu hóa hiện giờ. Những con virus vô hình đã làm hiện rõ vài mẫu số chung của kiếp nhân sinh: giá trị của sự sống, và sự quý báu của những mối liên hệ thương yêu của gia đình, người thân và bè bạn, những cái mà bình nhật người ta cho là đương nhiên phải có, được diễn đạt qua thành ngữ tiếng Anh ‘to take for granted.’

Trong những ngày tháng gần đây, loài người đã buộc phải quay về với cấp bậc căn bản nhất trong kim tự tháp nhu cầu con người (Pyramid of human needs – Xin xem bài Belonging của trang FB) do nhà tâm lý học Abraham Maslow đề xướng: Nhu cầu sinh tồn và được an toàn. Có thể nói việc nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt mạng sống con người trên đồng tiền và độ tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Không biết rằng thái độ này sẽ tiếp tục được thể hiện trong những quyết định về chiến tranh và hòa bình trong tương lai hay không.

Đối mặt với cơn khủng hoảng Covid-19, nhân loại đã phải hướng về khoa học như một vị cứu tinh, qua hình ảnh những vị bác sĩ, những người y tá tận tụy hy sinh, ngày đêm quên mình cứu chữa những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Người ta đặt niềm tin và hy vọng tối hậu vào những chuyên viên y tế và những khoa học gia đang chạy đua với thời gian để tìm thuốc chủng ngừa Covid. Hình như nhân loại đã có phần quý trọng hơn những con người áo trắng này, nhưng cũng chưa biết khoa học sẽ được các chính trị gia lắng nghe nghiêm túc hơn hay không trước mối đe dọa hiện sinh (existential threat) của biến đổi khí hậu.

Albert Camus, nhà văn và triết gia người Pháp gốc Algérie và cũng là Giải Nobel văn chương năm 1957, đã cho ra đời tác phẩm La Peste (The Plague – Dịch Hạch) vào năm 1947. Nhiều nhà bình luận cho rằng La Peste là một ẫn dụ cho xã hội Pháp dưới sự chiếm đóng tàn bạo của Đức Quốc Xã thời bấy giờ.

Trong tác phẩm kinh điển của văn chương Pháp này, ngòi bút thâm trầm của Camus mô tả sức tàn phá không thương hại của trận dịch hạch trên người dân thành phố Oran của xứ Algérie, qua cái nhìn của bác sĩ Bernard Rieux và người bạn tên Jean Tarrou, một người khách đã không may tới thăm Oran vài tuần trước khi nạn dịch bùng ra.

Đọc lại quyển La Peste trong những ngày sống trong cách ly giao tiếp gần đây, người viết đã không khỏi kinh ngạc trước các điểm tương đồng giữa những diễn biến trong câu chuyện và những gì đã và đang xảy ra trong cơn đại dịch Covid-19 hiện giờ.

Trước những dấu hiệu càng ngày càng đáng lo của đà đi lên của sự sợ hãi, lòng ngờ vực, tính ích kỹ và tinh thần bài ngoại khi đối mặt với mối đe dọa đền từ Covid-19, tưởng cũng nên tạm ngưng vài phút để suy nghĩ về những bài học mà con virus corona có thể dạy ta về những chân giá trị của cuộc sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top