Death and dying – Cái chết và quá trình chết

Trong vở bi kịch Hamlet của Shakespeare, Hamlet đã so sánh cái chết với một xứ sở chưa được khám phá, xứ sở mà không lữ khách nào đã từng quay trở lại từ bên kia ranh giới (The undiscovered country from whose bourn no traveller returns). Hamlet còn đưa ra một nhận xét sâu sắc là chính vì sợ hãi cái gì đó phía sau cái chết mà con người chẳng thà chịu đựng bao nhiêu khổ ải của cuộc đời còn hơn là trốn chạy vào những cái bất tri (But that the dread of something after death… makes us rather bear those ills we have than fly to others that we know not of.)

Với vỏn vẹn vài lời thơ đơn giản, thiên tài của Shakespeare đã nhận diện chính xác cái nhức nhối và tính chất ‘hắc búa’ của những câu hỏi xoay quanh cái chết: Chết là gì? Những gì xảy ra sau cái chết? Và tại sao dù khổ sở như thế nào người ta đa phần ai cũng tham sống sợ chết?

Với chiều hướng đi lên của tư duy phi tôn giáo (secularism) và các giá trị nhân bản, người ta đã dần dần bỏ đi những mê tín dị đoan về cái chết đã ám ảnh loài người từ thời trung cổ, như thiên đàng với vui thú vĩnh hằng, hay địa ngục với dầu sôi lữa bỏng, với tra tấn, cực hình cho linh hồn những kẻ có tội suốt tận thiên thu. Thay vào đó người ta dần dần tiếp cận cái chết một tâm thái cởi mở, nhân bản và nhân đạo hơn.

Chỉ trong vài thập niên vừa qua các xã hội Âu Mỹ mới bắt đầu biết đối thoại một cách chính chắn và cởi mở hơn về cái chết. Người ta không còn xem cái chết là một chủ đề cấm kỵ (taboo) cần phải tránh né trong khi chuyện trò, nhất là khi phải chia sẻ với một người thân đang đi vào giai đoạn cuối đời. Cái chết không nên là con voi trong phòng (the elephant in the room), một ẩn dụ thú vị cho một vấn đề mà ai cũng biết và đang nghĩ tới nhưng không ai dám nói ra. Hãy tưởng tượng những bức xúc, đau buồn của một người biết mình sắp chết mà không được nói ra sự thật này với những người mình thương yêu, không được nói lời giã từ, lời cảm ơn hay xin lỗi, hay những lời thương nhớ cuối cùng.

Một trong những thay đổi quan trọng trong y học gần đây là những tiến bộ lớn trong lãnh vực chăm sóc điều dưỡng cuối đời (end-of-life palliative care). Trên chiều hướng này, trong một số những trường hợp nào đó, bác sỹ hay ê kíp điều trị không còn cố áp dụng những biện pháp trị liệu ‘cứng’ như phẩu thuật hay hóa trị, xạ trị… với nhiều phản ứng phụ tệ hại, theo kiểu ‘còn nước còn tát’, mà ưu tiên cho những biện pháp chăm sóc ‘mềm’ gọi chung là palliative care để người bệnh được dễ chịu, bớt đau, thoải mái hơn trong một chừng mực nào đó, thường là tại chính nhà của họ hoặc trong một nhà điều dưỡng thay vì trong bệnh viện.

Trở lại những câu hỏi không giải đáp hàm chứa trong lời độc thoại của Hamlet: ‘Chết là gì?’ và ‘Những gì xảy ra sau cái chết?’, tưởng cũng nên nói qua về những nghiên cứu lâm sàn (clinical researches) của một số bác sỹ và tâm lý gia, tiêu biểu là bác sỹ Raymond Moody, về một nhóm hiện tượng gọi chung là Near Death Experiences (NDE), tiếng Pháp là Expériences de la mort imminente, tạm dịch là những trãi nghiệm cận tử. Đây là trãi nghiệm của những người được bác sỹ hay y tá xác nhận là đã chết theo nghĩa lâm sàn (declared clinically dead) trên bàn mỗ hay trên giừơng bệnh, nghĩa là những dấu hiệu của sự sống như tín hiệu não động đồ, hơi thở, nhịp tim đập… đều đã ngưng trong một thời gian nào đó, từ vài đến 10, 20 phút, và không hiểu vì sao những người này đã sống trở lại. Những nhà nghiên cứu hiện tượng trãi nghiệm cận tử đã phỏng vấn những chủ thể (subjects) này theo các quy trình khảo cứu nghiêm túc, và đã phân tách, tổng hợp các câu trả lời cho một loạt những câu hỏi giống nhau. Điều đáng ghi nhận là tính nhất quán, tương đồng của những câu trả lời. Phần lớn những chủ thể này đều thuật lại rằng vào lúc chết, họ thấy mình đi qua một con đường hầm tối, dài hoặc ngắn, và ở cuối đường hầm ấy là một vùng ánh sáng trắng. Phần lớn thuật lại rằng họ có cảm giác được bao bọc bởi thương yêu, cảm giác an toàn và được chấp nhận. Có người còn nghe tiếng nhạc hay những âm thanh dễ chịu, và có người lại trông thấy những người thân đã qua đời trước họ. Một số nói họ thấy diễn ra trước mắt tất cả cuộc đời vừa qua của mình, như trong một giấc mơ hay một cuốn phim sống thực, mà không cảm thấy bị phán xét vì những lỗi lầm hay khiếm khuyết. Đa số thuật lại rằng bằng cách này hay bằng cách khác họ cảm nhận được rằng họ chưa đến lúc phải chết, và họ được cho lựa chọn hoặc ở lại trong môi trương mới hoặc trở về với sự sống. Có người phân vân, và có người nhất trí là họ cần trở về vì lý do này hay lý do khác, chẳng hạn như vì bổn phận chưa chu toàn, hay có điều gì cần phải làm, hoặc có những bài học còn phải thấm nhuần, và cuối cùng họ đều đi ngược lại con đường hầm để vượt qua phía bên kia ranh giới giữa cái chết và sự sống.

Những trãi nghiệm cận tử này xứng đáng được nghiên cứu sâu rộng hơn, và đáng cho ta suy ngẫm, bất kỳ là ta muốn diễn dịch chúng như thế nào và qua loại lăng kính nào, từ sinh lý, tâm lý, thần kinh học, đến triết lý, tôn giáo hoặc siêu hình.

Hiểu và chấp nhận rằng cái chết là một phần không thể tách lìa với sự sống sẽ cho phép con người tiếp cận cái chết một cách tự tại và bình thản hơn.

Truyện kể có một người đàn bà có một đứa con nhỏ vừa chết vì bệnh. Trong cơn thống khổ, người mẹ này tìm tới đức Phật và cầu khẩn ngài dùng pháp năng của mình giúp đứa con cải tử hoàn sinh. Phật nói, ‘Việc này cũng dễ thôi. Con chỉ cần đi tìm và mang về cho ta ba hạt mù tạt nhỏ.’ Người mẹ mừng rỡ nói, ‘Vâng, con đi ngay và tí nữa sẽ mang ba hạt mù tạt về cho đấng Cồ Đàm.’ Nhưng đức Phật còn dặn thêm một câu, ‘ Điều quan trọng con phải nhớ là mấy hạt mù tạt này phải lấy từ một gia đình nào chưa hề có người thân đã chết’. Người mẹ ra đi lòng đầy hy vọng. Nhưng buồn thay, bất kỳ gia đình nào bà gỏ cửa xin ba hạt mù tạt cũng đều than thở rằng họ có cha, mẹ, ông, bà, con, anh hay chị… đã chết. Sau cùng người mẹ tỉnh ngộ ra và hiểu rằng cái chết là một điều kiện chung của kiếp nhân sinh, là một phần không thể tách lìa với sự sống, và bà đã quay về gặp đức Phật để theo ngài trên con đường diệt khổ.

Viết cho những người đang đi trên cánh đồng hoa hướng dương giữa bên này và bên kia…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *