Non Violent Communication – Giao Tiếp Phi Bạo Lực

Chủ đề số đầu năm 2019 của tuần báo Pháp L’Obs (trước kia là Le Nouvel Observateur) là “Làm thế nào để giải quyết những xung đột.” Theo tác giả bài báo, một trong những khí cụ hiệu quả nhất để giải quyết xung đột là phương pháp giao tiếp phi bạo lực, Non Violent Communication, viết tắt là NVC.

NVC do nhà tâm lý học người Mỹ Marshall Rosenberg (1934-2015) đề xướng vào đầu thập niên 1960 trong khi ông làm việc với các phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen, để giúp giải quyết những mâu thuẫn giữa nhóm sinh viên tranh đấu chống phân biệt chủng tộc và hội đồng quản lý các trường đại học. Ngày nay, NVC được áp dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ trị liệu tâm lý (psychotherapy), tư vấn cho gia đình và vợ chồng (family and couple counselling), giải quyết xung đột nơi làm việc (workplace conflict resolution), hòa giải (mediation) và trong các nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại những vùng có xung đột.

Rosenberg dùng hình ảnh của hai con vật, chó sói và hươu cao cổ, để giải thích hai lối giao tiếp trái ngược nhau.

Chó sói là biểu tượng của ngôn từ và lối giao tiếp mang tính bạo lực, có tính cách phán xét (judgemental), đổ lỗi (blaming), khiến người khác cảm thấy tội lỗi (guilt tripping), so sánh (comparing), đòi hỏi (demanding), công kích (attacking), muốn chế ngự (domineering), kiềm tỏa (controlling)… Người ta dùng ngôn từ và lối nói chuyện này theo thói quen và một cách không suy nghĩ, mang tới bao nhiêu đổ vỡ và thương tổn trong xã hội, gia đình và những mối liên hệ.

Ngôn từ và lối giao tiếp phi bạo lực được tượng trưng bằng con hươu cao cổ, biểu tượng cho tính thấu cảm (empathy), và đặt căn bản trên sự tỉnh thức (mindfulness).

Những trao đổi phi bạo lực gồm bốn thành tố:

  1. Observation (Quan sát): Nhìn và lắng nghe mà không phán xét, diễn dịch, phân tách hay so sánh.
  2. Feelings (Cảm nhận): Tiếp xúc với những cảm nhận của chính mình (gọi là self-empathy, hay tự thấu cảm) trong hiện tại, và diễn đạt những cảm nhận ấy một cách chân thật và với chủ ý xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ. Cần phân biệt cảm nhận (feelings) với ý nghĩ (thoughts), vì ý nghĩ thường mang tính cách “chó sói” như phán xét, đổ lỗi hay so sánh…
  3. Needs (Nhu cầu): Bày tỏ một cách chân thật nhu cầu hay điều mà mình đang cần hay đang mong mỏi ngay lúc ấy, chẳng hạn như: “Mình cần được cảm thấy gần gũi / an toàn / được quý trọng / được thông cảm / sự thành thật…”
    NVC cho rằng tất cả những ngôn từ và lối giao tiếp mang tính bạo lực đều là những lối diễn đạt bi thảm (tragic expressions) và vụng về những nhu cầu (needs) hay mong muốn của con người. Nghe với tai của hươu là nghe được những mong mỏi hay nhu cầu không được đáp ứng đằng sau những ngôn từ bạo lực hay những lối diễn đạt bi thảm ấy.
  4. Request (Yêu cầu): Đưa ra một yêu cầu hay đề nghị cụ thể và khả thi để giúp mình có được điều mà mình đang cần. Ngôn từ và cách biểu đạt yêu cầu hay đề nghị cần phải không mang tính cách bó buộc, đòi hỏi, hăm dọa, hay dứt khoát.

Chỉ cần xem qua con số những cuộc ly dị hay những tan vỡ hàng ngày quanh ta, hay những phân hóa càng ngày càng sâu rộng trong xã hội và các cộng đồng, ta cũng hiểu phần nào tại sao tờ tuần báo uy tín nhất nhì tại Pháp đã chọn NVC làm chủ đề cho một năm mới đang hứa hẹn nhiều trắc trở trên trường thế giới.

 

“Most of us grew up speaking a language that encourages us to label, compare, demand, and pronounce judgments rather than to be aware of what we are feeling and needing.” ~ Marshall Rosenberg

“Hầu hết chúng ta lớn lên với một ngôn ngữ khuyến khích chúng ta gán nhãn, so sánh, đòi hỏi và phán đoán thay vì ý thức được những gì chúng ta đang cảm nhận và đang cần.”

“The objective of Non Violent Communication is not to change people and their behaviour in order to get our way, it is to establish relationships based on honesty and empathy, which will eventually fulfill everyone’s needs.” Marshall Rosenberg

“Mục tiêu của Giao Tiếp Phi Bạo Lực không phải là để thay đổi người khác và hành vi của họ để được việc cho mình, mà là để tạo dựng những mối quan hệ dựa trên lòng thành thật và thấu cảm, và việc này cuối cùng sẽ giúp mọi người thỏa mãn nhu cầu của mình.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top