Populism – Dân Túy
Trong những năm gần đây người ta đã chứng kiến sự trỗi dậy và đà đi lên của hiện tượng Populism, tiếng Việt dịch là dân túy. Hiện tượng này đã làm đảo lộn chính trường ở Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016, ở Pháp với sự đi lên của đảng Rassemblement National của bà Marine Le Pen, ở Hung Gia Lợi với Viktor Orban, và ở Phi Luật Tân với Rodrigo Duterte, để đơn cử một vài thí dụ.
Thế Populism là gì?
Từ Populism do chữ Latin Populus có nghĩa là dân chúng, và suffix (hậu tố) ism, thường đi sau những từ nói về một trường phái nghệ thuật hay văn chương (như cubism – trường phái hội họa lập thể, hoặc romanticism – trường phái lãng mạn), một học thuyết (như existentialism – thuyết hiện sinh), hay một chủ nghĩa (như Fascism – chủ nghĩa phát xít).
Căn bản và cốt lõi của những học thuyết hay chủ nghĩa thường là một hệ tư tưởng hay ý thức hệ, tiếng Anh là ideology. Ideology ghép từ chữ Hy Lạp idea (tư tưởng) và logie (môn học), và ideology được định nghĩa là một học thuyết hay một hệ thống tư duy để giải thích hay diễn dịch về xã hội, chính trị..
Thông thường, người ta thường đi theo một chủ nghĩa hay một học thuyết nào đó vì muốn có một câu trả lời, một giải pháp đơn giản, gọn đẹp cho những bài toán phức tạp và khó khăn của cuộc đời. Nhưng như nhà báo và nhà bình luận người Mỹ Henry Mencken đã mỉa mai, “For every complex problem there is an answer that is clear, simple, and wrong.” – Bất kỳ một vấn đề phức tạp nào cũng có một câu trả lời rõ ràng, đơn giản, và sai bét.
Trong bối cảnh chính trị hiện đại, dù thể hiện dưới hình thứ nào hoặc ở đâu đi nữa, dù được xử dụng bởi phía cực hữu hay cực tả, các nhà lãnh đạo hay đảng phái đi theo chiều hướng dân túy thường áp dụng một vài hay tất cả những sách lược (stratagems), thủ đoạn và chiến thuật (tactics) sau:
1. Gây chia rẽ (division) hay phân cực (polarisation) trong xã hội và dư luận, giữa tầng lớp dân chúng và các thành phần ‘tinh hoa’ (elite), giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và thôn quê, giữa các tôn giáo, hay giữa dân bản xứ và người di dân…
2. Khuyến khích xung đột (conflicts) và tạo ra các cơn khủng hoảng (crises). Các nhà lãnh đạo và các chế độ dân túy cần phải có kẻ thù, khủng hoảng hay chiến tranh để củng cố quyền lực và có lý do để ban hành những biện pháp hay chính sách cực đoan, toàn trị. Như nhân vật Winston nhận xét trong tác phẩm 1984 của George Orwell, tác giả được xem là một nhà tiên tri về chế độ toàn trị và hiện tượng dân túy:
“Winston could not definitely remember a time when his country had not been at war…war had literally been continuous, though strictly speaking it had not always been the same war. The enemy of the moment always represented absolute evil.”
“Winston không thể nhớ rõ có thời kỳ nào mà quốc gia mình không ở trong tình trạng chiến tranh… chiến tranh dường như là liên tục, mặc dù nói cho đúng ra, không phải lúc nào cũng là cùng một cuộc chiến. Kẻ thù của thời điểm nào cũng là biểu tượng của cái ác tuyệt đối.”
3. Theo đuổi những chủ trương và chính sách bảo hộ (protectionism) trong mậu dịch, kinh tế, di dân, và chủ nghĩa dân tộc (nationalism), cho rằng quốc gia mình là ưu việt và bất kể quyền lợi của các quốc gia và dân tộc khác. Một hệ luận thông thường của chính sách bảo hộ là tinh thần bài ngoại (xenophobia) và kỳ thị chủng tộc.
4. Qua mặt (bypass) hay đi vòng (circumvent) các định chế chính trị như quốc hội và pháp lý để soi mòn khái niệm tam quyền phân lập (separation of powers) giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp.
5. Đả kích hay bôi nhọ các phương tiện truyền thông không ủng hộ lập trường của mình, bằng cách gán nhãn hiệu Fake News hay Tin Giả cho các tờ báo hay kênh truyền hình không thân thiện.
Trong các xã hội Âu Mỹ, báo giới (the Press) còn được gọi là “the Fourth Estate” trong tiếng Anh hay “le Quatrième Pouvoir” trong tiếng Pháp, tức là Quyền Lực Thứ Tư, vì được xem là một định chế có tầm quan trọng không kém ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Danh xưng này hàm chứa ý nghĩa và sự quan trọng của một báo giới tự do và độc lập trong các xã hội dân chủ và pháp trị.
6. Khinh rẽ sự thật và lũng đoạn ngôn ngữ. Trong sách lược dân túy, sự thật đặt trên sự kiện (facts), chứng cớ khoa học hay kiến thức của các chuyên gia đã được thay thế bằng những lời khẳng định “khơi khơi”, vô bằng chứng, hay những khẩu hiệu nhắm vào những thành kiến sẳn có hay để thỏa mãn những cảm xúc tham, giận hay sợ hãi của các tầng lớp dân chúng thiếu suy nghĩ và hiểu biết.
Điều thú vị là năm 2016, từ post-truth (hậu sự thật) đã được nhà xuất bản tự điển Oxford Dictionary chọn là “Word of The Year” (Từ của Năm) trong bối cảnh cuộc tranh cử tổng thống tại Mỹ và cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh Quốc.
Những nhận xét trên đây cho thấy dân túy không phải là một học thuyết hay một chủ nghĩa, vì thật sự nó không có một căn bản hay một cốt lõi tư duy hay lý thuyết, mà chỉ là một tập hợp của những thủ đoạn (stratagem) và chiến thuật (tactics) để chiếm và duy trì, cũng cố quyền lực. Do đó có nhiều nhà bình luận gần đây đã mô tả populism như một “thin ideology”, tức là một chủ nghĩa mỏng.
Đây là một cụm từ khá chính xác, vì populism có thể ví như một lớp sơn hay một lớp trán men, có thể được phết lên bất kỳ một đảng phái chính trị hay phe nhóm nào, bởi các đảng cực hữu hay cực tả, bởi các nhóm cực đoan (extremist groups) như nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacist) hay chủ nghĩa dân tộc (nationalism).
Hiểu rõ bản chất của dân túy là phương cách tốt nhất để ngăn ngừa hay chữa lành căn bệnh thời đại này, một căn bệnh có khả năng đưa thế giới vào một cơn ác mộng mới, trong đó các nền dân chủ sẽ tiến dần tới những thể chế toàn trị, trật tự thế giới sẽ được thay thế bởi hỗn loạn, sống chung trong hợp tác và hòa bình sẽ được thay thế bởi ‘America First‘ – Nước Mỹ Trên Hết, đa phương (multilateralism) sẽ được thay thế bởi đơn phương (unilateralism), và sự thật, thương yêu sẽ nằm xuống dưới gót chân của dối trá và thù hận.