Secularism – Ý Thức Hệ Phi Tôn Giáo

Giáo hội Công Giáo đã bị rúng động với việc Hồng Y George Pell, vị chức sắc cao cấp nhất của Úc và đứng hàng thứ ba trong Giáo Hội La Mã, đã bị tòa án Bang Victoria tại Úc tuyên án sáu năm tù vì tội xâm phạm tình dục hai bé trai trong ban đồng ca thánh đường St Patrick khi ông là Tổng Giám Mục giáo phận Melbourne trong thập niên 90. Thêm vào đó, Hồng Y Phillipe Barbarin, vị chức sắc Công Giáo cao cấp nhất tại Pháp, cũng đã phải từ chức sau khi bị tòa kết tội che dấu hành vi lạm dụng tình dục trẻ em trong những thập niên 80 và 90.

Giáo dân công giáo rất thất vọng và hoang mang, và nhiều người đã mất niềm tin vào Giáo Hội. Nhưng đây không phải là một hiện tượng mới, vì trong bất kỳ thời đại hay dưới bất kỳ một định chế nào, khi có sự chênh lệch quyền lực quá lớn thì sẽ có những lạm dụng và thối nát. Như nhà sử học người Anh John Acton đã nói, “Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely” “Quyền lực có khuynh hướng làm thối nát, và quyền lực tuyệt đối gây thối nát tuyệt đối.”

Trong bối cảnh đó, secularism, hay ý thức hệ phi tôn giáo (còn được dịch một cách khá lũng cũng là chủ nghĩa thế tục), càng ngày càng được phổ biến trên các quốc gia Âu Mỹ. Đây là một truyền thống tư duy cổ xưa có nguồn gốc từ các triết gia Hy Lạp và La Mã như Marcus Aurelius, và được các nhà tư tưởng lớn của kỹ nguyên Ánh Sáng (the Age of Enlightenment) như Diderot, Voltaire, Locke đề xuất để chống lại quyền lực quá đáng và sự áp chế của tôn giáo nói chung, và của Giáo Hội La Mã nói riêng.

Về phương diện xã hội và chính trị, secularism chủ trương phải có một sự phân cách rõ ràng giữa tôn giáo và các thể chế chính trị, luật pháp, và các định chế xã hội. Thật ra đây cũng là theo đúng tinh thần của lời Đức Giê Su trong kinh Tân Ước, “Render unto Caesar the things that are Caesar’s, and unto God the things that are God’s” – Hãy trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và cho Thượng Đế những gì thuộc về Thượng Đế. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng tách biệt tôn giáo ra khỏi chính trị và luật pháp cũng là cách bảo vệ tự do tín ngưỡng cho mọi người một cách hữu hiệu nhất, vì không có một tôn giáo nào sẽ được ưu đãi, và cũng không có một tôn giáo nào sẽ bị đối xữ phân biệt.

Về phương diện trí tuệ và tư duy, secularism chủ trương đặt tất cả các vấn đề và khía cạnh của thế giới vật chất cũng như tinh thần dưới lăng kính và ánh sáng của lý trí và khoa học. Trên căn bản đó, secularism là nền tảng và tiền đề của hiểu biết và văn minh, thay thế mê tín dị đoan và tín điều với những lý giải đặt trên chứng cớ, thử nghiệm, khảo sát và tinh thần khoa học.

Một người theo ý thức hệ phi tôn giáo không nhất thiết là một người vô tôn giáo hay vô thần, nhưng là một người hiểu rõ được đâu là giới hạn của đức tin tôn giáo của mình, và ranh giới giữa những câu hỏi triết lý hay siêu hình (metaphysical) của tôn giáo và cái thế giới phức tạp, muôn hình vạn vẻ của nhân quần và vũ trụ. Người ấy biết rằng khi người ta dùng những tín điều hay giáo điều trong kinh sách để khẳng định hay luận bàn về những vấn đề hoàn toàn nằm bên ngoài lãnh vực của tôn giáo, thì lý trí và tiến bộ sẽ là những nạn nhân đầu tiên.

Đứng trước sự tan vỡ ảo tưởng (disillusionment) về những định chế tôn giáo trong những thập niên gần đây, do những mục nát ngay từ cấp cao nhất của các giáo hội, sự lạm dụng thần quyền, những tai tiếng do nạn xâm phạm tình dục và sự che đậy từ bên trên, đâu là những chọn lựa trong lãnh vực tinh thần cho những con người biết suy nghĩ?

Một số người chọn chủ nghĩa vô thần (Atheism), chối bỏ tất cả niềm tin tôn giáo về Thượng Đế, và phủ nhận hay hoàn toàn không quan tâm tới những câu hỏi siêu hình, như có linh hồn hay không, ta từ đâu tới, và con người chết sẽ về đâu.

Một số khác thì lấy thái độ bất khả tri (Agnostic, ghép từ ‘A’ nghĩa là Không, và Gnostic là Biết), thành thật công nhận là mình không biết là có Thượng Đế hay không, hoặc câu trả lời cho những vấn đề siêu hình ấy, nhưng họ vẫn quan tâm và để ngõ cho những câu hỏi ấy.

Chọn lựa thứ ba là giữ một tâm thái (mindset) duy tinh thần (spirituality). Người theo con đường phát triển tinh thần (spiritual development) không nhất thiết thuộc vào một định chế tôn giáo hay một giáo phái nào, không tin một cách vô điều kiện vào những tín điều hay kinh sách nào, mà vẫn cảm nhận được cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống hằng ngày, và cái huyền diệu, vô cùng của thiên nhiên và vũ trụ.

Ngữ căn của từ Religion (tôn giáo) là có nguồn gốc từ tiếng Latin Religare, có nghĩa là ràng bó, giúp người gắn bó với người và với Thượng Đế. Nhưng trên thực tế thì lịch sử của tôn giáo là lịch sử của quyến năng của các giáo hội và sự phân hóa, chia rẽ giữa người và người, đưa tới bao cuộc thánh chiến và áp bức, sát hại những người ‘ngoại giáo’. Lý do là vì mỗi giáo hội đều muốn cũng cố quyền lực và ảnh hưỡng của mình, và những tín đồ cực đoan hay cuồng tín đều cho là kinh sách và tín điều của đạo giáo mình là chân lý vĩnh hằng, là ngôn từ mật khải (Revelations) của chính Thượng Đế.

Tiền đề này đưa tới một lối tư duy đi vòng (circular thinking) mà không ai có thể phản biện: 
– Tôn giáo của tôi là tôn giáo đúng duy nhất vì kinh sách của chúng tôi là ngôn từ của chính Thượng Đế.
– Làm sao bạn lại có thể khẳng định như thế?
– Vì chính Thượng Đế đã nói như vậy!

Thực sự thì tôn giáo, kinh sách nào cũng có những tinh túy, những cái hay của nó, cũng có những giá trị chân thiện mỹ, nhưng cũng có những điều hoang đường, phi lý, hủ lậu và sai lạc của nó. Người có suy nghĩ sẽ biết phân biệt đâu là hoa trái và đâu là cỏ dại trong vườn nhà mình, và sẽ có đủ khiêm tốn để nhìn nhận cái hay, cái đẹp của cái thế giới muôn hình vạn vẻ, dù trong các đạo giáo khác hay trên con đường thế tục.

Giải Nobel văn chương người Đức Hermann Hesse có một tuyệt phẩm là quyển Siddhartha với bản dịch tiếng Việt tựa đề ‘Câu Chuyện Dòng Sông’. Đây là chuyện của hai người bạn chân tình là Siddhartha (Tất Đạt) và Govinda (Thiện Hữu). Cả Tất Đạt và Thiện Hữu đều từ bỏ cuộc sống xa hoa để đi tìm chân lý. Nhưng trong khi Thiện Hữu đi theo tăng đoàn của các nhà sư theo Phật, thì Tất Đạt lại tự đi theo con đường tri ngã, tìm sự khai sáng qua những trãi nghiệm trong thế giới trần tục.

Cuối cuộc đời, Tất Đạt trở thành một ông lái đò, hàng ngày lắng nghe câu chuyện đời và những khổ đau của khách đi đò, và tiếng thì thầm muôn thuở của dòng sông. Một hôm Thiện Hữu tình cờ qua sông và gặp lại người bạn xưa, bây giờ là một ông lái đò bình dị nhưng với một phong thái tự tại, một vầng trán an bình và đôi mắt tỏa sáng tình thương và minh trí.

Trước khi chia tay, Thiện Hữu đã hôn lên trán Tất Đạt, và trong khoảnh khắc đó, đã không còn thấy bạn mình là Tất Đạt nữa, mà là biển cả bao la của người, của cỏ cây, muông thú và vạn vật. Cảm nhận ra là không có sự khác biệt gì giữa người bạn xưa của mình và đấng giác ngộ, Thiện Hữu đã vui sướng, cúi lạy Tất Đạt như đã từng cúi lạy Đức Mâu Ni ngày nào.

Phải chăng “Câu chuyện dòng sông” là một ẩn dụ về đạo và về đời, trong đó chân lý và khai sáng không nằm trong những tín điều tôn giáo, mà phải được chứng ngộ qua đời sống thường nhật cho những ai có đủ yêu thương và tỉnh thức để lắng nghe tiếng thì thầm muôn thuở của dòng sông cuộc đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top