Resilience – Khả năng hồi phục
Theo thần thoại Hy Lạp, chim Phượng Hoàng (Phoenix) là loài chim có khả năng hồi sinh, thường bay vượt lên không trung từ giữa đám tro và ngọn lửa đã thiêu cháy nó.
Cũng như vậy, thỉnh thoảng ta vẫn chứng kiến hoặc nghe nói đến những trường hợp của một người, một gia đình, cộng đồng hay một dân tộc nào đó đã trỗi dậy sau một tai họa hay thảm kịch. Đó là những minh chứng hùng hồn của khả năng hồi phục, tiếng Anh là Resilience.
Về phương diện ngữ căn (etymology), danh từ resilience (khả năng phục hồi) và tỉnh từ resilient (có khả năng phục hồi) có gốc từ động từ La Tinh resilire có nghĩa là trỗi lên hay bật lên. Do đó resilience hay khả năng hồi phục là khả trỗi dậy sau những tai biến hay thất bại của cuộc sống, hoặc tính bền bỉ và khả năng tự thích nghi để tồn tại trong những hoàn cảnh khó khăn.
Theo khoa học hệ thần kinh và não (Neuroscience), khả năng hồi phục là một khả năng tự nhiên, có cơ sở trong chính khả năng tự thích ứng và thay đổi của não bộ, mà tiếng Anh gọi là Neuroplasticilty, hay “brain plasticity”. Neuroplasticilty là một trong những khám phá khoa học quan trong nhất trong những năm gần đây. Đây là khả năng của não bộ tự thay đổi để thích nghi với những đòi hỏi hay điều kiện mới của cơ thể hay môi trường, chẳng hạn như sau một cơn đột quỵ hay tai biến mạch máu não. Não bộ thực hiện phép lạ này bằng cách tạo thêm những mạch nối mới gọi là synapses giữa hằng triệu những tế bào thần kinh, hay chuyển các chức năng bị ảnh hưỡng qua những vùng não còn nguyên vẹn. Các bài tập vật lý trị liệu (physiotherapy) sau một chấn thương hay một cơn đột quỵ không phải chỉ để giúp các cơ bắp phục hồi mà quan trọng hơn nữa là để giúp não bộ tạo ra những synapses mới.
Trên phương diện tâm lý học và cuộc sống nói chung, có nhiều yếu tố ảnh hưỡng đến tính bền bỉ và khả năng trổi dậy của con người.
Quan trọng nhất là các mối quan hệ thương yêu và cảm giác thân quen (belonging) của gia đình, bạn bè, trường học và những cộng đồng tương trợ. Có chung quanh mình những người tích cực, vui vẻ, lạc quan, thấu cảm, sẽ giúp mình vun xới niềm tự tin (self-belief) và lòng tự quý trọng (self-esteem) để bền bỉ vượt qua các khó khăn và trỗi dậy sau những tai biến hay thất bại.
Kế đến là thói quen tự chăm sóc bản thân (self-nurture) và lòng quý trọng những nhu cầu sức khỏe, tình cảm và tinh thần của chính mình. Ngoài ra, tuy trừu tượng hơn nhưng không kém phần quan trọng cho tính bền bỉ và khả năng phục hồi, là có những chân giá trị (true values), định hướng và ý nghĩa cho cuộc sống (a sense of purpose and meaning in life). Khi phải đối diện với một cơn khủng hoảng hay một tai biến trong cuộc đời, chính các chân giá trị, định hướng và ý nghĩa của cuộc sống sẽ là kim chỉ nam và động lực giúp ta bền bỉ đề vượt lên những khó khăn ấy.
Người ta nói thay đổi là hằng số cố định duy nhất trong cuộc sống (change is the only constant in life). Người bền bỉ và có khả năng phục hồi cao là người có một tâm thế uyển chuyển (a flexible mindset), sẳn sàng chấp nhận và thích nghi với những thay đổi, và xem những thay đổi không phải như những mối đe dọa mà như những cơ hội để khám phá thêm những chân trời mới và học hỏi những tư duy và kỹ năng mới.
Tính hay thay đổi (changeability) của cuộc đời cũng có nghĩa là các vấn đề hay khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Đây là một suy niệm có khả năng giúp con người bền bỉ đề vượt qua những khó khăn hay những ngày tháng đen tối.
Chuyện kể có một vị hoàng đế phương Đông yêu cầu các quan cận thần tìm cho ra một bảo vật để giúp ngài vui lại khi gặp những chuyện buồn. Sau khi được dâng hiến bao nhiêu trân châu, bảo ngọc, cuối cùng món quà làm nhà vua hài lòng nhất là một chiếc nhẫn đơn sơ của một nhà hiền triết, với dòng chữ khắc phía sau:
“This too shall pass”
Việc này rồi cũng sẽ qua.