Thinking Fallacies – Suy nghĩ sai lạc

Dù có ý thức được điều này hay không, phần lớn những suy nghĩ, cảm xúc hay phản ứng của con người trong cuộc sống đều bị ảnh hưỡng một cách tiêu cực hay tích cực bởi những tiền đề (premises) hay định đề (axioms) mà mỗi người đã chọn và chấp nhận một cách vô thức hay ý thức. Đây là những tư duy ‘nền’, những niềm tin cơ bản mà con người mặc nhận là những sự thật hiển nhiên, tự nó đã đúng (self-evident truths), không thể nghi ngờ hay tranh cãi. Những tiền đề tư duy này dần dần trở thành cái nền hay phông (background) cho những suy nghĩ, cảm xúc và hành xử của con người. Điều đáng tiếc là một số những tiền đề tư duy thông thường nhất thật sự chỉ là những ý tưởng sai lầm (thinking fallacies) chưa từng được cân nhắc, xem xét và đánh giá một cách thuần lý và phản biện.

Cùng với những suy nghĩ méo mó (thinking distortions) đã nói qua trong bài viết trước, các suy nghĩ sai lạc này thường là nguyên nhân đưa tới cảm xúc tức giận, đau buồn, thất vọng trong cuộc sống. Sau đây là vài suy nghĩ sai lạc có những tác hại tiêu cực đến tâm thái hạnh phúc và an bình của con người.

Thông thường nhất và có tác hại rất lớn là ý tưởng sai lạc về công bình, tiếng Anh gọi là Fallacy of Fairness. Cảm nhận về tính bất công của cuộc đời, của người khác hoặc một tình huống nào đó là nguyên nhân sâu xa của phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những cảm xúc tức giận, bất bình của con người. Đi xa hơn nữa, theo Giáo sư David Burns, trưởng khoa phân tâm học đại học Pennsylvania tại Mỹ, tức giận có thể được định nghĩa là cảm xúc đi đôi với việc người ta tin là mình đã bị đối xử một cách bất công. Nhưng sự thật khó nuốt là thế giới và cuộc đời thì không công bình theo một chuẩn mực tuyệt đối nào cả. Giáo sư David Burns đặt câu hỏi “Khi con hổ ăn thịt con dê thì điều này có công bình hay không?” Theo cái nhìn con dê thì đây quả là một chuyện vô cùng bất công, vì con dê đâu có làm gì để chọc giận con hổ đâu mà lại bị nó sát hại. Thế nhưng đối với con hổ thì việc nó ‘thịt’ con dê cũng là chuyện có lý và công bằng thôi. Đơn giản là nó đói bụng và có quyền ăn con dê để khỏi chết đói.

Công bình chỉ là một khái niệm tương đối, tùy thuộc vào góc nhìn, giá trị và ưu tiên của mỗi cá nhân, và những yếu tố đặc thù của mỗi tình huống. Suy nghĩ sai lạc và sự mong đợi về tính công bình tuyệt đối chỉ gây tức giận, bực bội và thất vọng trong các mối liên hệ và trong đời sống mà thôi. Thương yêu và đồng cảm (empathy) với người khác sẽ giúp ta cảm nhận được những tình huống, khó khăn và giới hạn của họ, và hiểu rằng những giá trị và chuẩn mực của mình không nhất thiết là những giá trị và chuẩn mực tuyệt đối phải áp dụng cho mọi người.

Cuộc đời thì đầy những sự cố, sự việc và sự kiện mang tính ngẫu nhiên (random), tình cờ (haphazard) và may rủi (by chance), và chẳng cần phải có một nguyên cớ hay lý do chi cả. Có gì là công bằng khi một đứa bé sinh ra đời trong cảnh khốn cùng hay đã mang dị tật, trong khi một đứa bé khác thì sinh ra trong một gia đình và môi trường lý tưởng. Có người tin rằng đây là do những nghiệp quả đời trước, nhưng xét cho cùng thì cũng chẳng có một chứng cớ gì cho niềm tin mang tính chất xét đoán (judgemental) và trừng phạt (punitive) ấy.

Tưởng cũng cần mở một dấu ngoặc ở đây để lưu ý về sự khác biệt giữa khái niệm công bình (fairness) và sự bình đẳng (equality). Những bất bình đẳng (inequalities) vẫn được duy trì trong nhiều định chế xã hội và kinh tế, như những bất bình đẳng do phân biệt đối xử trên căn bản giới tính, chủng tộc, giai cấp xã hội, và cần phải được đối kháng để tiến tới bình đẳng cơ hội (equal opportunities) cho mọi người.

Mỗi người sinh ra và trưởng thành trong một hoàn cảnh và với những giới hạn hay ưu thế khác nhau. Ta có thể than phiền về tính bất công của cuộc đời hay đổ lỗi cho số mạng, nhưng làm như vậy chỉ mang tới một tâm thái nạn nhân (victimhood mentality) mà không giúp được gì. Đây là một trong hai thái cực của của suy nghĩ sai lạc về khả năng kiểm soát và chế ngự (Control Fallacies), theo đó con người hoàn toàn bất lực, không thể thay đổi hoàn cảnh hay số phần của mình, vì mọi sự đã được số mạng hay Thượng Đế an bài. Thái cực thứ hai của suy nghĩ sai lạc này biểu hiện qua ý tưởng là mình có thể hoàn toàn kiểm soát và chế ngự được mọi tình huống, hoàn cảnh và môi trường. Thật sự không ai hoàn toàn bất lực trước hoàn cảnh, và cũng không ai có thể hoàn toàn làm chủ mọi tình huống. Cả hai thái cực của ảo tưởng này đều có khả năng khiến con người tức giận hay đi vào tuyệt vọng.

Một trong những suy nghĩ sai lạc có tác hại lớn đến các mối liên hệ tình cảm, bạn bè và gia đình là ý tưởng là ta có thể thay đổi người khác (Fallacy of changing others). Người mang ảo tưởng này thường kỳ vọng người khác sẽ thay đổi theo ý mình nếu mình gây đủ áp lực hay không ngừng khuyến khích, khuyên bảo. Ý tưởng này thường đi đôi với niềm tin rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc vào người khác, và cách duy nhất để đạt được ý nguyện của mình là buộc người khác thay đổi cách họ suy nghĩ, cư xử và hành động. Người mang ảo tưởng này thường tin rằng mình bao giờ cũng đúng và có lý, và không thể chấp nhận khả năng việc có thể là mình sai, hoặc có thể là cả hai bên đều có cái lý của họ.


Triết gia và nhà toán học Pháp René Descartes đã đặt tư duy lên hàng đầu của những khả năng và bản tính đặc thù của con người qua câu nói bất hủ: ‘Je pense, donc je suis’ – Tôi tư duy, do đó tôi hiện hữu. Biết tư duy một cách đúng đắn, có ý thức, có cân nhắc, lô gíc và xác thực là khí cụ quan trọng nhất cho một cuộc sống tốt và trọn vẹn. Thiết nghĩ cuộc hành trình nhằm cải thiện và trau dồi khả năng tư duy bắt đầu với việc nhận diện đâu là những sai lạc, méo mó và thiên vị trong tư duy của chúng ta.

****

‘Life is unfair. Get used to it’ – Bill Gates

‘Cuộc đời thì bất công. Hãy quen với chuyện ấy đi’ – Bill Gates

‘Life isn’t fair. No matter what life throws your way, no matter how unfair it may seem, refuse to play the victim. Refuse to be ruled by fear, pessimism and negativity. Refuse to quit. Be a warrior and work through whatever life throws your way with courage, love, and positivity. And continually push forward. Because you are a survivor of the unfairness of life. You are stronger than you think. And you are capable of achieving far more than you believe.’ – Zero Dean

‘Cuộc đời không công bằng. Dù đời có ném gì đi nữa cho bạn, dù đời có bất công đến đâu đi nữa, hãy từ chối cho mình là nạn nhân. Hãy từ chối bị thống trị bởi sợ hãi, bi quan và tiêu cực. Hãy từ chối bỏ cuộc. Hãy phấn đấu để vượt qua bất cứ điều gì mà cuộc đời ném cho bạn, với lòng can đảm, thương yêu, và tích cực. Và hãy không ngừng tiến bước. Bởi vì bạn sẽ sống qua những bất công của cuộc sống. Bạn vững mạnh hơn là bạn nghĩ. Và bạn có khả năng thành đạt lớn hơn là bạn tin. – Zero Dean

‘Everyone thinks of changing the world, but no one thinks of changing himself.’ – Leo Tolstoy

‘Ai cũng nghĩ đến chuyện thay đổi thế giới, nhưng không ai nghĩ đến việc thay đổi bản thân’ – Leo Tolstoy

‘God, grant me the serenity to accept the things I cannot change, courage to change the things I can, and wisdom to know the difference’ – Karl Niebuhr

‘Hởi Thượng Đế, xin cho con tâm bình thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, lòng can đảm để chuyển đổi những gì con có thể, và trí sáng suốt để biết đâu là sự khác biệt’ – Karl Niebuhr

**** Mời các bạn vào Website Blog hay trang FB để xem đầy đủ các bài viết:

* Website trang Blog: http://englishfortuduy.com/

* Trang Facebook: https://www.facebook.com/Englishfortuduy/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top