Emotional Intelligence – Thông minh cảm xúc

Thông minh cảm xúcEmotional Intelligence Trong tác phẩm bán chạy hàng đầu mang tựa đề “Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ” (Thông minh cảm xúc: Tại sao nó lại quan trọng hơn cả IQ) tâm lý gia người Mỹ Daniel Goleman đã thuật lại một mẩu chuyện thú vị bên Nhật.

“Ngày kia một kiếm sĩ Samurai đến tìm một người thiền sư và thách thức vị này giải thích ý niệm về thiên đàng và địa ngục. Thiền sư trả lời, ‘Ngươi chỉ là một tên lỗ mãng, ta việc gì phải mất thì giờ với ngươi!” Kiếm sĩ nỗi cơn thịnh nộ tuốt gươm hét, ‘Ta có thể giết ngươi ngay tại chổ vì tội hỗn xược!’ Thiền sư điềm đạm nói, ‘Đó chính là địa ngục.’ Kiếm sĩ tỉnh ngộ, tra gươm vào vỏ và cúi mình cảm tạ. Thiền sư nói tiếp, ‘Và đây chính là thiên đường’.

Khả năng ý thức và kiểm soát cảm xúc giận dữ của kiếm sĩ là một trong những trụ cột của thông minh cảm xúc. Thông minh cảm xúc là khả năng nhận thức và điều tiết những cảm xúc của chính mình, cùng với khả năng thấu cảm những cảm xúc của người khác. Hiểu và thấu cảm, chứ không thuần là giải thích hay lý luận, là phương cách hữu hiệu nhất để điều tiết và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực không những của chính mình mà còn của người khác nữa. Nói một cách đơn giản, thông minh cảm xúc là sự kết nối giữa tim và óc, giữa tâm và trí. Và như triết gia người Pháp Blaise Pascal có nói, ‘Trái tim có những lý lẻ của nó mà lý trí không hề biết đến’ (Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point.)

Theo Daniel Goleman những kỹ năng nền tảng của thông minh cảm xúc bao gồm khả năng tự giác (self-awareness), lòng thấu cảm, và sự nhạy bén trong giao tiếp (social deftness). Tự giác về cảm xúc xuất phát từ khả năng duy trì một tâm thế tỉnh thức (mindfulness), hay một nhận thức nhạy bén và không phán xét (non-judgemental) trong hiện tại đối với những cảm xúc, cảm thọ (sensation), ý tưởng, hoặc những trải nghiệm nội tâm hay ngoại giới, dù là tích cực hay tiêu cực. Song song với khả năng tự giác về cảm xúc là lòng thấu cảm (empathy) hay khả năng thấu hiểu và trân trọng những cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Thấu cảm là khả năng đặt mình vào hoàn cảnh, tâm trạng của người khác, nhìn với mắt của họ, lắng nghe với đôi tai của họ, và từ đó nảy sinh ra tình thương, sự thông cảm, chấp nhận và lòng tha thứ. Đây chính là ý nghĩa của tư duy “Hiểu là thương” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Trong đời sống thường nhật, thông minh cảm xúc được thể hiện qua sự nhạy bén trong giao tiếp, với khả năng lắng nghe và ý thức được ‘ngôn từ cơ thể’ (body language) của người khác. Đây là những thông điệp ‘bất thành ngôn’ trong giao tiếp, như khi người đối thoại với ta tự nhiên khoanh tay, bắt chéo hai chân hay nhìn đi nơi khác, thì đó chính là những dấu hiệu là người ấy đang đi vào một tâm thế khép kín, tự vệ (defensive) hay bực bội.

Thông minh cảm xúc là một kỹ năng không mấy được biết đến nhưng không kém phần quan trọng so với trí thông minh và kiến thức cho sự thành công trên đường đời, vì giao tiếp tốt với cấp trên, đồng nghiệp hay khách hàng đều đòi hỏi một chỉ số thông minh cảm xúc cao. Trên bình diện cá nhân, thông minh cảm xúc và những kỹ năng liên hệ như tự giác cảm xúc, tỉnh thức, lòng thấu cảm và nhạy bén trong giao tiếp sẽ giúp ta tạo dựng những mối quan hệ mật thiết tốt đẹp và một cuộc sống hạnh phúc bền vững.

“When dealing with people, remember you are not dealing with creatures of logic, but with creatures of emotion.” Dale Carnegie
“Khi giao tiếp với người khác, hãy nhớ rằng bạn không đang giao tiếp với những sinh vật của lôgic, mà với những sinh vật của cảm xúc.” Dale Carnegie

“The only way to change someone’s mind is to connect with them from the heart.” Rasheed Ogunlaru
“Cách duy nhất để thay đổi suy nghĩ của người khác là kết nối với họ từ trái tim.” Rasheed Ogunlaru”

When people talk, listen completely. Most people never listen.” Ernest Hemingway
“Khi người khác nói, hãy chú tâm lắng nghe. Phần lớn con người ta không bao giờ lắng nghe.” Ernest Hemingway

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top