The sense of self – Ý niệm về bản ngã

Nhà phân tâm học người Mỹ gốc Áo Heinz Kohut (1913 – 1981) là cha đẻ của khoa tâm lý học bản ngã (self psychology). Theo Kohut, nhiều bệnh chứng tâm thần (psychopathology) xuất phát từ những khiếm khuyết của bản ngã thay vì những xung đột nội tâm theo Freud.

Tâm lý học bản ngã nhấn mạnh tầm quan trọng của một ý niệm về bản ngã (sense of self) vững mạnh, và dùng đồng cảm (empathy) và suy niệm về bản thân (self reflection) như hai khí cụ quan trọng trong liệu pháp phân tâm khi chữa trị các rối loạn tâm thần, đặc biệt là các chứng bệnh liên quan tới bản ngã như chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào năm 2017, gần 30 nhà phân tâm học và chuyên gia bệnh tâm thần có uy tín lớn tại Mỹ đã ra chẩn đoán là vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ là một ca điển hình của bệnh ái kỷ độc tính (malignant Narcissistic personality disorder) với những triệu chứng như hoang tưởng khuếch đại (grandiosity), kiêu ngạo, cho mình là trung tâm vũ trụ (self-centredness), tàn nhẫn (ruthlessness), và không ngần ngại làm bất kỳ điều gì miễn là đạt mục đích của mình.

Từ Narcissism (chứng ái kỷ) có nguồn gốc từ một huyền thoại Hy Lạp, theo đó ngày xưa có một chàng thợ săn tên Narcissus với một dung mạo tuyệt đẹp. Khổ thay, chàng chỉ có thể yêu chính mình và đã dửng dưng trước bao nhiêu cô gái si tình, để rồi một ngày kia chinh chàng đã bị tiếng sét ái tình khi bất chợt nhìn thấy bóng mình phản ảnh dưới lòng con suối. Mê mệt với chính mình, chàng thợ săn thất tình đã chết dần chết mòn bên bờ dòng suối, và bên cạnh xác chàng đã mọc lên một bụi hoa mà người thời ấy đặt tên là hoa Narcissus, ngày nay gọi là daffodil, tức là hoa thủy tiên.

Ý niệm về bản ngã (the sense of self) là tập hợp những điều mình tin và cảm nhận về bản thể, cá tính (personality traits), khả năng, giới hạn, giá trị tinh thần, và những cái yêu cái ghét của chính mình.

Ý niệm về bản ngã bắt đầu được thành hình ngay từ thuở sơ sinh và được uốn nắn bởi những mối liên hệ, ảnh hưỡng của môi trường, gia đình, bạn bè, học đường và xã hội, và những trãi nghiệm trong quá trình trưởng thành.

Một ý niệm về bản ngã mơ hồ hay yếu kém sẽ khiến con người sống một cách vô định hướng, không chính thực với mình, và không có khả năng quyết định hay chọn lựa tốt khi đứng trước những ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời. Lòng tự ái và nhạy cảm thái quá cũng như sự kiêu ngạo thường là biểu hiện của một ý niệm về bản ngã dễ bị thương tổn (fragile sense of self), như một cơ chế tự bảo vệ (self defense mechanism) của cái ta. Ta cũng nên lưu ý là có một sự khác biệt lớn giữa lòng tự ái và thể hiện của một ý niệm về bản ngã vững mạnh là tính tự trọng (self respect hay self esteem).

Có những yếu tố nào ảnh hưỡng tới việc phát triển ý niệm về bản ngã?

Quá trình hình thành cá thể (individuation process) và ý niệm về bản ngã bắt đầu từ ngay những năm tháng đầu đời. Nếu đứa trẻ được khuyến khích khám phá, tìm tòi, học hỏi, và tự thể hiện qua việc phát biểu những suy nghĩ, bày tỏ ý muốn, cảm xúc và nhu cầu của mình mà không bị chỉ trích, rầy phạt thì quá trình này sẽ tiến triển tốt và sẽ dẫn tới một ý niệm về bản ngã vững mạnh. Tình thương yêu vô điều kiện của cha mẹ không những là yếu tố chính trong quá trình cá thể hóa và thành hình của một ý niệm tốt về bản ngã, mà còn ảnh hưỡng đến cách tiếp cận những mối quan hệ tình cảm khi đứa trẻ trưởng thành. Nếu đứa trẻ thấy cha mẹ chỉ yêu thương mình với điều kiện mình đáp ứng những mong đợi (expectations) và đòi hỏi của cha mẹ thì trong những mối quan hệ tình cảm tương lai khi trưởng thành nó sẽ gạt bỏ và dồn nén những nhu cầu và cảm xúc của chính mình, để lấy và giữ được sự thương yêu của đối tượng.

Nhu cầu cảm thấy được chấp nhận (belonging) bởi một nhóm bạn hay một tập thể nào đó cũng có thể khiến người ta pha loãng những giá trị tinh thần hay thay đổi tư duy để được hội nhập, và qua đó phần nào đánh mất tính ‘thực’ hay chân nguyên (authenticity) của mình. Một thí dụ điển hình là không ít những người trẻ bắt đầu uống rượu bia hay hút thuốc lá vì áp lực bạn bè (peer pressure) dù việc này có hại cho sức khỏe của chính mình.

Chúng ta không phải ai cũng có may mắn lớn lên trong một môi trường thích hợp cho việc xây dựng một ý niệm về bản ngã vững mạnh, nhưng không bao giờ là quá trể để bắt đầu tu sửa lại những khiếm khuyết trong ý niệm về bản ngã, bằng cách nuôi dưỡng khả năng đồng cảm, suy niệm về bản thân, tìm hiểu đâu là những giá trị cốt lõi (core values) của mình, xem trọng sức khỏe và hạnh phúc của mình trong những quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời, sống một cách tỉnh thức, thường xuyên quán niệm nội tâm và nhất là sống thật với chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top